Xây dựng thể chế tạo không gian phát triển mới

06:23, 19/02/2025

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Chính phủ có tờ trình về Đề án Bổ sung về phát triển kinh tế- xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.


Theo tờ trình, kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên năm 2025, có một số chỉ tiêu như: tăng trưởng khu vực công nghiệp- xây dựng khoảng 9,5% trở lên; dịch vụ tăng 8,1% trở lên; nông, lâm, thủy sản tăng 3,9% trở lên. Các khu vực kinh tế tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7-1,3% so với năm 2024; công nghiệp- xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng.


Tại phiên thảo luận của Quốc hội, đa số ý kiến đại biểu thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Chính phủ. Theo đại biểu, việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.


Để có thể đạt các chỉ tiêu đề ra, đại biểu cho rằng cần thực hiện tốt 4 điều kiện theo kịch bản tăng trưởng, trong đó phải có tư duy mới, cách làm mới, đột phá về thể chế, giải pháp; phân cấp, phân quyền triệt để. Cùng với đó, cần phải tiến hành khẩn trương và hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không để ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong cả ngắn và dài hạn.


Ngoài ra, cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về thủ tục hành chính để thúc đẩy nền kinh tế hấp thụ vốn nhanh. Đại biểu kiến nghị cần tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, khơi thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công, cần có giải pháp cụ thể, gắn trách nhiệm thực hiện để đổi mới quản lý, đầu tư công, bảo đảm giải ngân được số vốn đầu tư công.


Theo đại biểu, đầu tư công là một trong những trụ cột để tăng trưởng nên phải có giải pháp gắn trách nhiệm thực hiện để đổi mới quản lý đầu tư công, bảo đảm giải ngân số vốn đầu tư công đã giao dự toán và bổ sung, trong điều kiện giải ngân vốn đầu tư công là khâu yếu kéo dài nhiều năm. 


Bên cạnh đó, cần ưu tiên ngân sách đầu tư vào hệ thống giao thông huyết mạch như đường cao tốc, đường sắt, cảng biển… để tăng cường kết nối giữa các địa phương, vùng kinh tế trọng điểm. Đồng thời, xây dựng các cơ chế thu hút, đãi ngộ nhân tài, góp phần ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám từ địa phương ra các thành phố lớn hoặc ra nước ngoài.


Một điểm mấu chốt mà đại biểu đề nghị cần quan tâm là tập trung đưa ra các giải pháp toàn diện, các định hướng cho công tác xây dựng pháp luật để tháo gỡ những điểm nghẽn, để thể chế không còn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, mà trở thành “đột phá của đột phá”, tạo không gian phát triển mới.
AN NHIÊN
 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh