Xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới

05:46, 21/01/2025

(VLO) Tại Hội thảo khoa học quốc gia Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hoá trong Đảng giai đoạn mới, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng- Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, xây dựng văn hóa trong Đảng có vai trò hệ trọng, quyết định đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, văn hóa trong Đảng là sự tổng hòa các giá trị truyền thống, tư tưởng, đạo đức, quy tắc, phong cách lãnh đạo, phương pháp làm việc, cách thức vận hành, hành vi ứng xử của tổ chức Đảng và các đảng viên trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo, trong tổ chức và sinh hoạt của Đảng.

Trong các tác phẩm của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập rất nhiều về văn hóa Đảng. Người cho rằng: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. “Văn minh” bao hàm cả trí tuệ, cả lý tưởng, mục đích hướng tới sự phát triển của đất nước tốt đẹp.

Tại hội thảo này, nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng văn hóa trong Đảng sẽ góp phần hình thành phong cách lãnh đạo dân chủ, khoa học, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển mới trong điều kiện Đảng ta là Đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền; qua đó giúp cán bộ, đảng viên rèn luyện, tự hoàn thiện bản thân, giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng; ngăn chặn hiệu quả những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””.

Hiện nay, có nhiều cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức lối sống; có bệnh nói nhiều làm ít, nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo. Vì thế, nhất thiết phải đề cao tính nêu gương, tuân thủ kỷ luật, nguyên tắc của Đảng.

Do đó, việc xây dựng văn hóa trong Đảng phải là văn hóa tiên phong, văn hóa gương mẫu. Đảng viên, cán bộ phải nêu gương. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải thể hiện văn hóa, trong nội bộ Đảng, trong mối quan hệ với Nhân dân, trong điều hành và quản lý xã hội.

Ngoài ra, văn hóa trong Đảng phải là tinh hoa của văn hóa dân tộc, dẫn dắt văn hóa dân tộc, không tách rời với văn hóa dân tộc. Nếu văn hóa Đảng không gắn bó với văn hóa dân tộc thì không thể xây dựng được. Đồng thời, cần xây dựng văn hóa trong Đảng trở thành yếu tố cốt lõi, dẫn dắt dân tộc bước vào kỷ nguyên mới.

Nếu văn hóa là nền tảng tinh thần của sự phát triển xã hội thì việc xây dựng văn hóa trong Đảng chính là nền tảng cho sự vững bền của Đảng. Do đó, xây dựng văn hóa trong Đảng là việc làm cần thiết, thường xuyên và lâu dài của các tổ chức đảng và mỗi đảng viên.

AN NHIÊN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh