(VLO) Tọa đàm với chủ đề “Đầu tư phát triển công nghệ cao tại Việt Nam- Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh” được tổ chức ngày 21/1, tại Davos, Thụy Sĩ, trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).
Theo tường thuật từ Báo Điện tử Chính phủ, mở đầu sự kiện, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã giới thiệu về những tiềm năng thu hút đầu tư vào Việt Nam nhờ thế mạnh công nghệ cao sẵn có và sự hỗ trợ toàn diện từ Chính phủ với các định hướng chiến lược quốc gia trong công nghệ.
Việt Nam đã xác định chọn khoa học công nghệ làm động lực quan trọng để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng hai con số những năm tới. Mục tiêu này sẽ được hiện thực hóa thông qua các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số, bán dẫn và giáo dục.
“Đây là mong muốn, cũng như yêu cầu của cả hệ thống chính trị”- ông Bình nói và cho biết Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi trong lĩnh vực khoa học công nghệ mà hiện nay trên thế giới cũng chỉ có Ấn Độ tương xứng.
Đại diện nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực mới, đồng thời sẽ đem những điều tốt đẹp nhất thế giới đến Việt Nam.
Thay mặt Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tọa đàm, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh- Nguyễn Văn Nên cho biết: Qua tọa đàm, các tập đoàn đều cho thấy khát vọng lớn, mong muốn thực hiện khát vọng tại Việt Nam và sẵn sàng hành động khi có đủ điều kiện, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thu hút, phát triển đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, với đóng góp của các tập đoàn công nghệ quốc tế lớn như Samsung, Intel, Nvidia, Google, Meta,… và sự phát triển nhanh chóng của các Tập đoàn công nghệ trong nước như Viettel, VNPT, FPT, CMC,… trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của đất nước.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, thế mạnh giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư công nghệ cao, trong đó, nổi bật nhất là các yếu tố gồm môi trường chính trị ổn định, chính sách đối ngoại hòa bình, hợp tác; tăng trưởng kinh tế bền vững.
Trong kỷ nguyên mới, Chính phủ Việt Nam hướng đến một mô hình phát triển bền vững, lấy khoa học công nghệ làm trọng tâm, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn tạo ra nền tảng vững chắc để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin