Cùng với thông điệp “Liên kết”, “Phát triển bền vững” và “Cạnh tranh mới”, tại Diễn đàn Mekong Connect 2024 vừa diễn ra, hình ảnh những nhà lãnh đạo, chuyên gia và đại biểu cùng nhau đạp xe đến khu vực hội trường cũng tạo ấn tượng không kém.
Trong Bản khuyến nghị những đề xuất và định hướng hành động từ diễn đàn tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, từ thúc đẩy liên kết vùng, khai thác tài nguyên bản địa, nâng cấp hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực đến ứng dụng công nghệ và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Đây không chỉ là những đề xuất cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách và doanh nghiệp, mà còn là động lực cho một ĐBSCL phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và hội nhập sâu rộng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Không nằm ngoài sự kỳ vọng, diễn đàn mang đến những cuộc thảo luận sâu sắc và gợi mở những giải pháp hành động thực tiễn. Theo Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan: “Chúng ta cứ nghĩ nông nghiệp là xanh, nhưng cách làm nông nghiệp lâu nay của chúng ta là nâu, là đen chứ không phải xanh. Vài năm gần đây chúng ta mới dần đi theo hướng xanh”.
ĐBSCL có thể khai thác các nguồn lực khác, chuyển đổi cây trồng và canh tác nông nghiệp để mang lại lợi ích cao hơn, mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn, cải thiện đời sống của người nông dân. Chỉ dựa vào lúa gạo không thôi, thì không có cách nào làm cho đời sống của người dân ĐBSCL khá lên được. “Cách thức chúng ta chuyển đổi sang thuận thiên, sang đa dạng hóa kinh tế nông nghiệp, thời gian qua là rất đúng hướng”- bà Phạm Chi Lan nói.
Trong khi đó, việc tối ưu hóa các nguồn lực, tăng năng suất, giảm chi phí, giảm thất thoát ra sao cũng đang là vấn đề đặt ra. Chẳng hạn, Việt Nam có mức thất thoát sau thu hoạch của ngành nông nghiệp 15-40%, gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến môi trường. Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, lấy phụ phẩm của ngành nông nghiệp tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao… vẫn còn là “mảnh đất” nhiều tiềm năng cần được khai thác.
Hình ảnh đại biểu đạp xe cũng là minh họa nhiều ý nghĩa sâu sắc cho mục tiêu phát triển bền vững mà ĐBSCL đang theo đuổi. Đây chính là lời nhắc nhở ý nhị về sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, xây dựng một vùng Mekong thịnh vượng, xanh sạch và phát triển bền vững. Hy vọng không chỉ là “một màn trình diễn”, hình ảnh đó sẽ chuyển hóa thành hành động mạnh mẽ từ chính quyền đến người dân để kích hoạt một nền kinh tế xanh, đời sống xanh cho ĐBSCL tương lai.
TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin