(VLO) Trong chương trình khảo sát du lịch cụm liên kết giữa 3 tỉnh ĐBSCL Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long với TP Hồ Chí Minh mở rộng, có sự tham gia của các đại biểu đến từ Hà Nội, nhằm giới thiệu những trải nghiệm làng nghề và các sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương.
Qua đó, nổi bật một số vấn đề về văn hóa di sản bản địa, văn hóa làng nghề truyền thống, trên tinh thần phát triển sản phẩm du lịch theo hướng xanh, bền vững.
Theo ông Lê Quang Lộc- Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Rooster Mekong garden & villas (ấp An Hòa, xã An Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), toàn bộ sản phẩm từ lưu trú, ẩm thực đến tham quan tuyến điểm tại địa phương trong thời gian nghỉ lại đây, tất cả đều được xây dựng trên nền tảng tinh thần sinh thái xanh, bền vững.
Cụ thể, các loại rác phế liệu đều sử dụng nguyên liệu tái chế, tái sử dụng theo quy trình tuần hoàn khép kín cho khu nghỉ dưỡng.
Đó cũng là đặc điểm nổi bật tạo nên giá trị hấp dẫn cho tuyến du lịch Chợ nổi dừa sông Thom, khi đại biểu tham quan được chứng kiến sản phẩm nông nghiệp từ trái dừa được tận dụng hoàn toàn các thành phần làm nên nhiều sản phẩm đầu ra không bỏ sót bất kỳ món nào của trái dừa.
Một làng nghề hàng trăm cơ sở làm việc liên tục mỗi ngày nhưng hoàn toàn không thải bất kỳ loại rác nào ra môi trường sông nước, môi trường xung quanh. Điều này, làm cho sản phẩm du lịch ngoài giá trị trải nghiệm văn hóa làng nghề truyền thống, còn gửi đến du khách thông điệp xanh, bền vững của làng nghề.
Cùng với đó, là những điểm tham quan, nghỉ dưỡng như: Nghênh Xuân farm, Rooster Mekong garden & villas (Bến Tre), Sokfarm (Trà Vinh) và Somofarm (Vĩnh Long), đều có điểm chung về du lịch xanh, trải nghiệm nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường, tạo nên sự nhất quán trong cả chương trình khảo sát ý nghĩa về du lịch xanh, bền vững.
Du lịch trải nghiệm nông nghiệp là xu hướng đã phát triển mạnh từ nhiều năm nay trên thế giới; nhưng là hướng đi mới ở Việt Nam. Ở ĐBSCL vùng đất nổi tiếng về nông nghiệp, cây ăn trái đã bắt nhịp và phát triển nhanh những sản phẩm du lịch dạng này ở cả lĩnh vực lữ hành, lưu trú lẫn ẩm thực địa phương.
Đặc biệt, các sản phẩm du lịch sẽ càng tạo nên sự hấp dẫn, sức thu hút và giá trị khi xu hướng chung tôn trọng tính xanh và bền vững trong quá trình định hướng, xây dựng và khai thác sản phẩm.
Hy vọng hướng đi này giúp nâng cao giá trị, thương hiệu, uy tín và sự hấp dẫn của du lịch ĐBSCL đối với du khách trong, ngoài nước.
Qua đó, du lịch sẽ góp phần tác động trở lại cộng đồng người dân địa phương ý thức cao hơn trong đời sống, sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp hướng đến phát triển xanh, bền vững trong tương lai.
NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin