(VLO) Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vừa tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân (TCD), giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) về hành chính năm 2024.
Theo đánh giá, công tác TCD, giải quyết KNTC tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, tích cực, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội.
Theo báo cáo của Chính phủ về công tác TCD, giải quyết KNTC về hành chính năm 2024, tỷ lệ chủ tịch UBND cấp tỉnh ủy quyền TCD là 18%, trong khi đó so với 5 năm trước, tỷ lệ ủy quyền này lên tới trên 50%; chủ tịch UBND cấp huyện ủy quyền TCD là 16%; chủ tịch UBND cấp xã ủy quyền TCD chỉ có 8%, đã cho thấy sự chuyển biến lớn, tỷ lệ ủy quyền đã giảm đi rất nhiều.
Đây là một thành công trong triển khai thi hành Luật TCD và do Thanh tra Chính phủ trực tiếp chỉ đạo đối với các địa phương. Nhờ đó, chất lượng TCD đã được nâng lên. Thực tế, thẩm quyền giải quyết là của chủ tịch UBND tỉnh, huyện, xã, nên nếu người TCD là cấp phó thì rất khó.
Theo quy định, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp TCD để lắng nghe, xem xét, giải quyết và chỉ đạo việc giải quyết các KNTC, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền của mình hoặc thuộc thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp dưới. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm TCD định kỳ hoặc đột xuất theo quy định của Luật TCD và kiểm tra, đôn đốc việc xử lý sau TCD của các cơ quan, đơn vị.
Do đó, việc người đứng đầu thực hiện tốt quy định TCD, đã góp phần giải quyết các vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài; qua đó, nhiều vụ việc gây bức xúc trong Nhân dân, được dư luận quan tâm đã được rà soát, xử lý, giải quyết, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự của địa phương và cả nước.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Pháp luật, vẫn còn một số cơ quan hành chính các cấp chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trực tiếp TCD theo quy định; tình trạng ủy quyền TCD tại bộ, ngành, địa phương vẫn còn; thực trạng này đã tồn tại từ những năm trước vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Để tiếp tục phát huy vai trò người đứng đầu trong TCD, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cung cấp đầy đủ hơn thông tin về các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị làm tốt, chưa tốt công tác này để phát huy, nêu gương đối với những điển hình và yêu cầu chấn chỉnh, xem xét trách nhiệm đối với những cơ quan, cá nhân chưa thực hiện tốt quy định của pháp luật về TCD.
AN NHIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin