(VLO) Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng vừa trình bày tờ trình Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) trước Quốc hội.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, các đề xuất chính sách được đưa ra trong dự án Luật Đầu tư công sửa đổi lần này đã qua rà soát, tổng kết, chọn lọc những vấn đề thực sự cấp bách, quan trọng.
Nội dung sửa đổi luật đã cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 5 nhóm chính sách lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin- cho”.
Thảo luận tại tổ về dự án luật này, chính sách phân quyền mạnh mẽ cho các địa phương được nhiều đại biểu tán thành.
Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng, việc phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án sẽ tạo sự chủ động cho cấp tỉnh trong việc chủ động quyết định chủ trương đầu tư dự án thuộc cấp mình quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thủ tục đầu tư, xây dựng kế hoạch đầu tư công.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) nhận xét, việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, thống nhất một đầu mối giải quyết cho các dự án liên vùng, thời gian qua đã được thí điểm và chứng minh được hiệu quả.
Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là những đột phá lớn, nếu được thông qua sẽ góp phần giải quyết tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, những dự án “đóng băng, trùm mền” sẽ giảm mạnh.
Giải thích thêm những lo ngại hiệu quả việc phân cấp có thể không như mong muốn vì năng lực cấp xã, cấp huyện hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc phân cấp hay không phụ thuộc vào quyết định của cấp trên, nếu thấy năng lực chưa đủ thì sẽ không phân cấp, linh hoạt trong điều hành.
Nếu cấp được phân công cảm thấy năng lực chưa đủ cũng có thể xin rút. “Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) lần này sẽ chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ quản lý sang kiến tạo phát triển, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đáp ứng yêu cầu phát triển, thực hiện 3 đột phá chiến lược- nhất là đột phá về kết cấu hạ tầng trong thời gian tới”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
N. HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin