(VLO) Bộ Văn hóa-TT-DL vừa công bố Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, bộ vẫn cần các địa phương tiếp tục góp ý và hiện vẫn còn 12 địa phương chưa gửi đóng góp ý kiến, đề xuất về bộ.
Bộ Văn hóa-TT-DL đề ra chỉ tiêu năm 2025 phấn đấu đón từ 25-28 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8-9 %/năm. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13-15 %/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4-5 %/năm.
Tầm nhìn đến năm 2045, sẽ khẳng định vai trò động lực của nền kinh tế; điểm đến nổi bật toàn cầu, trong nhóm quốc gia phát triển du lịch hàng đầu khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Phấn đấu đón 70 triệu khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 7,3 triệu tỷ đồng; đóng góp 17-18% trong GDP.
Trong đó, với khu vực ĐBSCL, sẽ phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh từ hệ sinh thái sông nước, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch biển, đảo, di tích lịch sử văn hóa cùng các giá trị văn hóa truyền thống đa dạng. Ưu tiên phát triển các sản phẩm mang đặc trưng riêng của vùng: du lịch sông nước miệt vườn; tìm hiểu di sản văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, vui chơi giải trí.
Tăng cường liên kết khai thác tài nguyên du lịch và tận dụng lợi thế về kết cấu hạ tầng theo các cụm: An Giang- Đồng Tháp- Long An; Tiền Giang- Bến Tre- Trà Vinh- Sóc Trăng; Kiên Giang- Cà Mau. Liên kết với vùng Đông Nam Bộ theo các hành lang du lịch Bắc- Nam phía Đông và phía Tây, với Campuchia, Thái Lan theo hành lang ven biển phía Nam (Hà Tiên- Rạch Giá- Cà Mau).
Như vậy, Vĩnh Long không nằm trong các trục chính do Bộ Văn hóa-TT-DL xác định. Đặc biệt, với trục kết nối với Campuchia, Thái Lan, thì định hướng hành lang ven biển (Hà Tiên- Rạch Giá- Cà Mau), vẫn chưa cho thấy khai thác hết tiềm năng du lịch đồng bằng, trong đó có tiềm năng du lịch Vĩnh Long đã được các hãng lữ hành khai thác từ nhiều năm nay và đang định hướng nâng lên tầm mức cao hơn.
Trong đó, trục kết nối đường sông TP Hồ Chí Minh- Vĩnh Long- An Giang- Campuchia đã bị bỏ qua là vô cùng đáng tiếc.
Trục du lịch này vừa phát huy mạnh mẽ kinh tế du lịch bởi nguồn khách phân khúc thị trường trung và cao cấp. Mặt khác, hướng tuyến này sẽ kết nối rất nhiều vùng văn hóa sông nước và hệ sinh thái đa dạng qua các địa phương, mà trong đó Vĩnh Long được định vị làm trung tâm của toàn tuyến.
Bên cạnh đó, trục kết nối Tiền Giang- Bến Tre- Trà Vinh- Sóc Trăng, sẽ khiếm khuyết nếu không giữ trục truyền thống theo QL1 từ xưa đến nay, giờ đã được kết nối các đoạn cao tốc từ TP Hồ Chí Minh- Vĩnh Long- Cần Thơ, rút ngắn thời gian di chuyển rất nhiều.
NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin