(VLO) Trong phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế- xã hội năm 2024 và Kế hoạch năm 2025 Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, đa số đại biểu cho rằng, trong bối cảnh thế giới hiện nay, Việt Nam nổi lên là điểm sáng khi chúng ta vẫn duy trì được về sự ổn định về kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, đạt các thành tựu trong xuất khẩu.
Theo đại biểu, năm 2024, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, mạnh, phức tạp, không thuận lợi. Vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế- xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi và phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội (năm 2023 đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu).
Đại biểu đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và kết quả, thành tựu đạt được trong lĩnh vực kinh tế- xã hội trong 9 tháng của năm 2024.
Với sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương, kinh tế- xã hội nước ta có nhiều điểm sáng, trong đó nổi bật là tăng cường kinh tế, thu ngân sách, thu hút FDI và tiến độ là các dự án, công trình trọng điểm của quốc gia.
Một số thành tựu trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2024, đó là tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%).
Đặc biệt, kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng điện có bước đột phá mới (đã hoàn thành đưa vào khai thác thêm 109km đường cao tốc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước đến nay lên hơn 2.021km; khánh thành dự án 500kV mạch 3; công tác bảo đảm an sinh xã hội, lao động, việc làm, cải thiện đời sống người dân được tập trung làm tốt…
Về kế hoạch năm 2025, đại biểu cho rằng cần tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; củng cố, giữ vững vai trò và làm mới các động lực tăng trưởng chính, động lực tăng trưởng truyền thống (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng), thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế số; nâng cao chất lượng lao động, năng suất lao động xã hội; phát triển và ứng dụng khoa học- công nghệ, cơ cấu hiệu quả nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả…
Một vấn đề mà đại biểu quan tâm là đề nghị điều chỉnh chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả hơn trong năm 2025 để thích ứng với những thách thức của toàn cầu. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.
AN NHIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin