Nỗi lo dân số trên con đường phát triển của đất nước

07:30, 08/09/2024

(VLO) Ngày 4/9, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 20 khóa IX, để thảo luận về dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X và cho ý kiến nhân sự tham gia Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực, Phó Chủ tịch không chuyên trách.

Ý kiến cần đặc biệt quan tâm của GS Nguyễn Thiện Nhân- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, về bài học “đắt giá” của các nước giàu nhưng không tái tạo được con người cho đất nước.

Từ khoảng 30 năm trước, khi mà Nhật Bản đang đạt đến sự phát triển thần kỳ, đất nước này đã bộc lộ vấn đề “konenrei” (cao niên kỷ) tức nỗi lo về già hóa dân số. Đó là bài học mà chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận ngay từ bây giờ, khi mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Dẫn chứng được GS Nguyễn Thiện Nhân đưa ra câu chuyện về Nhật Bản, một quốc gia có thu nhập cao. Khi năm 1972, GDP đầu người của Nhật Bản bằng 50% của Mỹ, nhưng đến năm 1995 đã bằng 150% của Mỹ. Tức là chỉ trong vòng 23 năm, Nhật Bản từ nước thu nhập bằng nửa của Mỹ đã vươn lên gấp rưỡi.

Đó là kỳ tích, nhưng kể từ năm 1996 đến nay, GDP Nhật Bản nằm ngang trong 28 năm liền. Tức là sau cú “bứt tốc” thần kỳ, hiện nay GDP Nhật Bản chỉ bằng 41% của Mỹ.

Nhật Bản có dân số hơn 120 triệu người đang dồn sức tăng vọt kinh tế nhưng cuộc sống người dân không đủ điều kiện cần thiết để họ có gia đình và nuôi tốt 2 con.

Đất nước giàu nhưng người dân không đạt các chỉ số hạnh phúc. Đây chính là vấn nạn được Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố rằng khủng hoảng lớn nhất của nước này chính là khủng hoảng dân số, phải giải quyết ngay bây giờ hoặc không bao giờ.

GS Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng câu chuyện thứ hai về đất nước Hàn Quốc, với những con số dẫn chứng. Năm 1975, GDP đầu người của Hàn Quốc bằng 17% của Nhật Bản, nhưng năm 2018 bằng 101% của Nhật Bản.

Đó là một thành tích phát triển vượt bậc, đồng thời cũng đã để lại hậu quả nặng nề về vấn đề dân số. Từ năm 2018, GDP nằm ngang, mức sinh của Hàn Quốc năm vừa rồi chỉ còn 0,72 và Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc nói: “Không có người nhập cư, Hàn Quốc không có tương lai”.

Từ thực trạng của hai nước phát triển, có thu nhập cao như Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng không tái tạo được con người. Cùng nhiều quốc gia khác trên thế giới cho thấy, thu nhập cao chưa bảo đảm mục tiêu hạnh phúc người dân. Từ năm ngoái, mức sinh của Việt Nam là 1,96, là lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 2.

Thực tế Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phát triển con người không bền vững, không tái tạo được con người, mà theo GS Nguyễn Thiện Nhân chúng ta cần có giải pháp khắc phục ngay, tránh bài học để chậm 25 năm như Nhật Bản.

NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh