Ưu tiên dự án trọng tâm, liên kết vùng ĐBSCL

05:07, 11/07/2024

Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ (Nghị quyết số 78), về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ÐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, các địa phương đã chủ động thực hiện các hoạt động liên kết, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, của các tiểu vùng; công tác điều phối vùng, liên kết vùng dần nhịp nhàng, phát huy hiệu quả.

(VLO) Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ (Nghị quyết số 78), về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ÐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, các địa phương đã chủ động thực hiện các hoạt động liên kết, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, của các tiểu vùng; công tác điều phối vùng, liên kết vùng dần nhịp nhàng, phát huy hiệu quả.

Dù gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng tăng trưởng vùng tiếp tục tăng. Năm 2023 xếp thứ 2/6 vùng kinh tế cả nước. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, GRDP của vùng tăng 6,12%. Đến nay đã cơ bản hoàn thành 13/27 nhiệm vụ trọng tâm (quy hoạch, kiện toàn, xây dựng bộ máy điều phối vùng ở các cấp…).

Nghị quyết số 78 để thực hiện Nghị quyết số 13, trong đó đề ra 14 chỉ tiêu phát triển, 26 nhiệm vụ và 7 dự án kết cấu hạ tầng quan trọng cần thực hiện đến năm 2030.

Đến nay đã hoàn thành 4/26 nhiệm vụ, trọng tâm là phê duyệt quy hoạch 13/13 địa phương; hoàn thành 5 dự án kết nối vùng ÐBSCL với Ðông Nam Bộ. Ðồng thời đang hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án thuộc Nghị quyết số 108 của Chính phủ về vay 2,53 tỷ USD đầu tư hệ thống ven biển và các dự án quan trọng của vùng…

Một trong những khó khăn của ĐBSCL hiện nay là việc liên kết chưa đi vào chiều sâu, chưa hình thành được cụm liên kết sản xuất, dịch vụ theo từng ngành, lĩnh vực, khả năng thu hút đầu tư còn hạn chế; công tác triển khai quy hoạch vùng ÐBSCL chậm so với yêu cầu.

Chủ trì Hội nghị hội đồng điều phối vùng ÐBSCL, với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và 13 tỉnh, thành vùng ÐBSCL mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái- Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ÐBSCL, yêu cầu các bộ, địa phương trong thời gian tới cần đề ra các giải pháp phù hợp với từng thời điểm.

Hội đồng điều phối vùng bám sát các nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của hội đồng điều phối vùng, có trách nhiệm triển khai thực hiện, cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh.

Ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh các dự án động lực, trọng điểm, có tính lan tỏa lớn, có tính liên kết vùng, liên tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của vùng.

Tập trung cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, chống sạt lở, xâm nhập mặn, dự trữ nước ngọt; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời gắn với bảo vệ rừng và bờ biển...

N. HOÀNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh