Quản lý rơm rạ theo hướng tuần hoàn và phát thải thấp

07:07, 20/07/2024

Đây là vấn đề được Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) đặc biệt quan tâm và vừa qua, cũng như sắp tới Bộ Nông nghiệp-PTNT thường xuyên phối hợp với tổ chức này sẽ có nhiều lớp tập huấn cho cán bộ nông nghiệp khu vực ĐBSCL về quy trình, kiến thức quản lý rơm rạ, song song đó là nhiều cuộc hội thảo về đề tài này.

 

Đây là vấn đề được Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) đặc biệt quan tâm và vừa qua, cũng như sắp tới Bộ Nông nghiệp-PTNT thường xuyên phối hợp với tổ chức này sẽ có nhiều lớp tập huấn cho cán bộ nông nghiệp khu vực ĐBSCL về quy trình, kiến thức quản lý rơm rạ, song song đó là nhiều cuộc hội thảo về đề tài này.

Những năm qua, nông dân miền Tây cũng đã biết tận dụng nguồn rơm rạ sau thu hoạch làm thức ăn trong chăn nuôi, phân bón… nhưng theo cách làm tự phát nên thực tế nguồn rơm rạ khổng lồ của đồng bằng đã bị lãng phí lớn. Bởi, chưa có cách làm hợp lý khoa học, chưa quản lý và tái sử dụng nguồn rơm rạ một cách hiệu quả, khoa học.

Vừa qua, tại tỉnh Hậu Giang, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp-PTNT) phối hợp Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và các bên có liên quan tổ chức Hội thảo “Tham vấn chính sách về quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp” và lễ công bố ban hành Quy trình và Sổ tay quản lý rơm rạ.

Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới. Cùng với lượng lúa được sản xuất ra đạt khoảng 43 triệu tấn/năm, nước ta cũng có khoảng 47 triệu tấn rơm rạ/năm; trong đó, vùng ÐBSCL có sản lượng lúa khoảng 24 triệu tấn và rơm rạ khoảng 26-27 triệu tấn/năm. Hiện một lượng lớn rơm rạ bị vùi vào đất và đem đốt đồng, vừa gây lãng phí, vừa ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và tăng phát thải khí nhà kính. Theo Cục Trồng trọt, chỉ khoảng 30% rơm rạ tại vùng ÐBSCL được thu gom sử dụng, còn lại 70% là đốt đồng và vùi vào đất…

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe Cục Trồng trọt và IRRI cập nhật, cung cấp thông tin về hiện trạng và định hướng quản lý rơm rạ, về nông nghiệp tuần hoàn từ rơm, phát triển kinh tế tuần hoàn từ rơm- cơ sở khoa học để giảm phát thải và quản lý đồng bộ. Hội thảo cũng đã dành nhiều thời gian để thảo luận, đề xuất các giải pháp, chính sách về quản lý rơm rạ. Ðặc biệt, đề xuất định hướng chính sách cho quản lý rơm rạ phục vụ Ðề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL”. Nhiều đại biểu kiến nghị, bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tới đây ngành chức năng cần có thêm các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ nông dân về máy móc, công nghệ, vốn… để thực hiện tốt việc thu gom rơm và phát triển đa dạng các sản phẩm từ rơm, giúp mang lại giá trị gia tăng cao.

Dịp này, BTC hội thảo công bố ban hành Quy trình và Sổ tay hướng dẫn quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp ở ÐBSCL. Qua đó, giúp các hộ nông dân, cán bộ khuyến nông, HTX, doanh nghiệp và các bên liên quan nâng cao nhận thức và hành động trong quản lý, sử dụng hiệu quả rơm rạ và thực hiện sản xuất lúa gạo theo hướng tuần hoàn gắn với giảm phát thải khí nhà kính.

NGỌC TRẢNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh