Được đứng trong hàng ngũ làm báo cách mạng Việt Nam, trước hết là niềm vinh dự lớn lao, cũng là một trọng trách lớn lao. Một nền báo chí cách mạng được Bác Hồ khai sinh và trưởng thành theo dòng chảy lịch sử của đất nước trải qua 99 năm qua, thực sự là vinh quang, thực sự là vĩ đại!
(VLO) Được đứng trong hàng ngũ làm báo cách mạng Việt Nam, trước hết là niềm vinh dự lớn lao, cũng là một trọng trách lớn lao. Một nền báo chí cách mạng được Bác Hồ khai sinh và trưởng thành theo dòng chảy lịch sử của đất nước trải qua 99 năm qua, thực sự là vinh quang, thực sự là vĩ đại!
Cách thức, phương tiện, hình thức… báo chí đã và đang thay đổi từng ngày; nhưng bản chất, tôn chỉ của nền báo chí cách mạng Việt Nam không bao giờ thay đổi.
Người làm báo ai cũng phải nhớ cột mốc lịch sử ngày 21/6/1925, tờ báo “Thanh Niên”- cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, ra số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam, là sự mở đầu cho cả một dòng chảy báo chí ở Việt Nam.
Nguyễn Ái Quốc đã dùng tờ báo làm công cụ tuyên truyền con đường cách mạng giải phóng dân tộc, để tập hợp và giác ngộ quần chúng, chuẩn bị tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 9/1962, tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam, Bác nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Trong cách thể hiện, người cho rằng: “Làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, nội dung, cách viết”.
Mục đích “Viết để làm gì? Viết để cho ai xem? Viết như thế nào?” chính là những yếu tố giúp báo chí hoàn thành sứ mệnh là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và quần chúng; là cầu nối để các cộng đồng hiểu nhau hơn.
Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, Người đòi hỏi báo chí cách mạng không ngừng học tập, nâng cao trình độ hiểu biết chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp.
Do vậy, người làm báo cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, không ngại khó khăn, hy sinh, vì Nhân dân phục vụ; cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động.
Người nhấn mạnh vai trò “chiến sĩ” của người làm báo, đòi hỏi nhà báo phải kiên định lập trường, giữ vững quan điểm báo chí cách mạng, không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt.
Hơn ai hết, nhà báo phải là người chí công vô tư, có hiểu biết rộng và nhất là có cái tâm trong sáng. Người dạy, báo chí là một nghề, cho nên người làm báo cách mạng cần được bồi dưỡng lập trường cách mạng vững vàng, thường xuyên rèn luyện đạo đức, được đào tạo nghề nghiệp, biết ngoại ngữ…
Những người làm báo phải biết trau dồi kiến thức, học tập lý luận, lăn lộn trong thực tiễn và gắn bó với Nhân dân.
Muốn trở thành người làm báo tốt, muốn trở thành nhà báo giỏi, thì điều đầu tiên và suốt đời người cầm bút phải nhớ những lời dạy của Bác.
Những lời dạy, lời dặn dò nghe thật giản dị nhưng đó là chân lý, là đạo đức của người làm báo. 99 năm qua, những lời dạy cùng với tác phong làm báo của Bác vẫn mãi là tấm gương sáng soi đường cho mỗi chúng ta trên từng trang viết đầy trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân.
Nhớ những lời dạy của Bác, học theo phong cách làm báo của Bác, để thực sự trở thành người làm báo của mọi tầng lớp quần chúng nhân dân!
NGỌC TRẢNG