Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ hoạt động của BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN-TC) các cấp.
(VLO) Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ hoạt động của BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN-TC) các cấp.
Đáng lưu ý, trong các nội dung chi của dự thảo thông tư này, có nội dung chi mua tin tối đa 50 triệu đồng/tin.
Theo đó, căn cứ nội dung, tính chất của tin được cung cấp, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ Trung ương quyết định mức chi đối với từng trường hợp cụ thể; trường hợp đặc biệt, Cơ quan Thường trực BCĐ Trung ương báo cáo tập thể Thường trực BCĐ Trung ương xem xét, quyết định. Việc quản lý, sử dụng kinh phí mua tin theo chế độ mật.
Thông tin phục vụ PCTN là những tin phản ánh, tố cáo các hành vi TN được quy định tại Luật PCTN. Các thông tin này có thể bằng lời, văn bản, ghi âm hoặc các hình thức khác, nhưng phải đảm bảo độ chính xác, tin cậy và có đủ chứng cứ để kiểm tra, xác minh.
Được biết, trước đó, một số địa phương đều quy định về mua tin và xử lý thông tin phục vụ công tác PCTN-TC trên địa bàn. Vào năm 2014, tỉnh Yên Bái từng có quy định tương tự, với mức chi 500.000- 10 triệu đồng cho một tin báo PCTN; năm 2019, Ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ An ban hành quy định tương tự; năm 2023, TP Hồ Chí Minh quy định mức chi phí tối đa là 10 triệu đồng một tin báo… Đối với những địa phương này, người cấp tin được đảm bảo giữ bí mật tuyệt đối thông tin liên quan.
Với đề xuất này, nhiều ý kiến đồng tình và cho rằng sẽ tạo ra một cơ chế tốt hơn trong thực hiện công tác PCTN-TC. Chủ trương này sẽ góp phần khuyến khích tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin giúp cho các cơ quan PCTN hoàn thành tốt công việc nên được ủng hộ. Điều này cũng tạo điều kiện để người dân tham gia việc giám sát, phát hiện và phản ảnh các hành vi TN.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị để chủ trương này phát huy hiệu quả cần phải có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng. Đặc biệt, cần thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, quy định để bảo vệ người tố cáo, tố giác TN-TC. Đã qua, ở một số nơi, một số đơn vị thực hiện chưa tốt cơ chế này dẫn đến thông tin của người tố cáo bị lộ, lọt ra ngoài làm ảnh hưởng không nhỏ đến những người cung cấp thông tin.
Nếu chủ trương này được thông qua, nhiều người kỳ vọng công tác PCTN-TC đạt hiệu qua hơn. Qua đó, giúp công tác PCTN-TC tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư là: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; kết hợp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả giữa công tác PCTN với phòng, chống TC; giữa PCTN-TC với công tác cán bộ, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; vừa xử lý nghiêm hành vi TN, vừa xử lý nghiêm vi phạm trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo các cấp, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
AN NHIÊN