Quan ngại biến đổi khí hậu ở ĐBSCL

05:05, 31/05/2024

Tại phiên thảo luận về kinh tế- xã hội ngày 29/5, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của các tỉnh ĐBSCL phát biểu lo ngại về hậu quả và nguy cơ của biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô hạn, đã và đang tác động tiêu cực đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.

(VLO) Tại phiên thảo luận về kinh tế- xã hội ngày 29/5, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của các tỉnh ĐBSCL phát biểu lo ngại về hậu quả và nguy cơ của biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô hạn, đã và đang tác động tiêu cực đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Đại biểu Trần Văn Sáu- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, cho rằng vấn đề thiên tai, hạn hán, bão, lũ, xâm nhập mặn và thời tiết cực đoan… tiếp tục diễn biến khó lường, gây hậu quả nặng nề.

Trong đó, bà con vùng ĐBSCL đang hết sức lo lắng bởi bà con sống chung với lũ, giờ lại sống chung với hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở luôn rình rập.

Năm 2024, 11/13 tỉnh ĐBSCL phải ban bố tình trạng khẩn cấp về hạn mặn. Nhiều giải pháp cấp bách được triển khai, như: Trữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, khởi động xây dựng lại các hồ chứa nước ngọt, thay đổi tập quán canh tác…

Dù vậy, phản ánh nguyện vọng của cử tri, ĐBQH Trần Văn Sáu đề nghị Chính phủ quan tâm một số chính sách, giải pháp mà các nhà khoa học đã khuyến cáo cho vấn đề biến đổi khí hậu với khu vực ĐBSCL.

Theo đại biểu Trần Văn Sáu, 10 năm qua có khoảng 1,7 triệu người phải di cư khỏi ĐBSCL, cao gấp đôi so với mức bình quân của cả nước. Vì vậy cần phải quy hoạch, bố trí lại dân cư, ưu tiên nguồn vốn cho công việc này.

Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã trở thành chuyện bình thường mới, cho thấy cần thiết phải hành động vì những thiệt hại, mất mát vượt quá khả năng chống chịu và thích ứng của người dân trong vùng ĐBSCL. Điều này, rất cần sự quan tâm của các cấp.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn- Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre, cũng cho rằng vấn đề hạn mặn đã xảy ra trong nhiều năm, liên tục và ngày càng khắc nghiệt không chỉ ở vùng ĐBSCL. Để nhằm hạn chế hạn mặn, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đề nghị thực hiện sớm các quy trình thủ tục đầu tư.

Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần đẩy nhanh tiến độ hơn nữa bằng cách thành lập các ban để chỉ đạo vấn đề này.

ĐBSCL là vùng sản xuất- xuất khẩu nông sản lớn nhất cả nước, đóng góp 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp Việt Nam, với khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và xấp xỉ 70% trái cây các loại.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, nước biển dâng, nguồn nước ngầm suy giảm và sự hình thành nhiều đập thủy điện ở khu vực thượng nguồn sông Mekong khiến vùng ĐBSCL đối mặt với sụt lún, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất- sinh hoạt.

TRẦN PHƯỚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh