Giải pháp lớn từ những câu chuyện nhỏ

04:05, 11/05/2024

Chuyện kể rằng, mỗi nhánh của dòng sông Cửu Long có một con rồng nhân từ cư ngụ, nó ban cho giống lúa quý, vị ngọt bùi, tốt cho sức khỏe và che chở người dân. Và một nông dân đã chắt lọc bụi lúa còn sót lại làm thành những hạt giống ban đầu, để gầy dựng lại giống lúa trong truyền thuyết. 

Chuyện kể rằng, mỗi nhánh của dòng sông Cửu Long có một con rồng nhân từ cư ngụ, nó ban cho giống lúa quý, vị ngọt bùi, tốt cho sức khỏe và che chở người dân. Và một nông dân đã chắt lọc bụi lúa còn sót lại làm thành những hạt giống ban đầu, để gầy dựng lại giống lúa trong truyền thuyết. Giống lúa huyết rồng của một nông dân vùng Tháp Mười đã cho ra những sản phẩm từ gạo tốt cho sức khỏe đã tạo được tiếng vang và những thành công bước đầu.

Từ chén lúa giống giờ đây là vùng nguyên liệu lúa hàng chục mẫu đất, cho thấy trong dòng chảy bất ổn của giá cả nông sản, những nông dân tâm huyết, chủ động tư duy, sáng tạo vẫn có thể vượt qua những thách thức, khó khăn chung, theo cái cách làm chung của số đông. Một lối đi riêng không hề dễ dàng, nhưng nếu đi đến tận cùng có thể thu hoạch được những kết quả thành công to lớn.

Đánh giá về thành công của nông dân thành công với gạo huyết rồng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Lê Minh Hoan, cho rằng: “Đứng trước sự thay đổi, mỗi người có 3 sự lựa chọn: từ chối, do dự hay chủ động. Người thức thời là người chủ động thích ứng với sự thay đổi. Thách thức và thời cơ luôn tồn tại song song, mỗi người đều có cách tiếp cận riêng của mình để đi đến thành công”. Khi nông dân chủ động thích ứng, sẵn sàng thay đổi những lối mòn trong tư duy, chính là con đường “lách qua khe cửa hẹp” để đi đến thành công.

Thách thức trước hết là thay đổi thói quen trồng lúa 3 vụ 1 năm, năng suất cao đã ăn sâu vào não trạng của người nông dân. Bởi lẽ, tính theo chu kỳ sinh trưởng thì giống lúa huyết rồng này chỉ có thể làm được 1 năm 2 vụ, năng suất cũng thấp hơn các giống lúa phổ biến mà người dân đang làm. Song người nông dân cho rằng lúa huyết rồng có nguồn gốc lúa hoang, thân lúa cao, cứng cáp át cả cỏ dại và có sức sống vô cùng bền bỉ. Chúng còn thích nghi ngay cả các vùng đất ngập lụt, nhiễm phè, đặc biệt là chống chịu sâu bệnh tốt.

Nhờ những tố chất này mà khi canh tác lúa huyết rồng, người nông dân hạn chế rất nhiều các loại hóa chất diệt cỏ, trừ sâu bệnh, phân bón…; giảm được chi phí sản xuất. Với ưu thế tự thân của giống lúa huyết rồng, cho phép nông dân thực hiện quy trình “3 giảm” (giảm giống, giảm phân, giảm thuốc) từ đó đạt được “3 tăng” (tăng sản lượng, tăng chất lượng, tăng lợi nhuận)”, một cách tự nhiên.

ĐBSCL đâu chỉ có một vài giống lúa quý như thế, mà chúng ta vẫn còn lưu giữ được nguồn gien hàng trăm, hàng ngàn giống lúa quý. Một nông dân khác ở Kiên Giang cũng đã gầy dựng lại những giống lúa 1 vụ trong năm, chúng ta còn gọi là lúa mùa nổi hay lúa mùa cạn tùy theo vùng trồng, cũng đã và đang rất thành công với mô hình kết hợp nghiên cứu khoa học và trang trại trải nghiệm du lịch.

Những giống lúa quý hiếm có nguồn gốc xưa của ĐBSCL cho thấy nó lại mang tính “thời sự” rất cao, đặc biệt là tính thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhìn về tương lai xa hơn, một khi đồng bằng bị “thiếu nước” nghiêm trọng, đó sẽ là những giải pháp mang tính sống còn của đồng bằng mình.

NGỌC TRẢNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh