Cần tạo văn hóa tiết kiệm điện

05:05, 17/05/2024

Cần tạo ra văn hóa tiêu dùng điện tiết kiệm thành phong trào và phải tự giác, gắn với lợi ích người sử dụng. Bên cạnh có chế tài mạnh và sớm thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, mang tính cạnh tranh, gắn với giá điện hai thành phần.

 

Cần tạo ra văn hóa tiêu dùng điện tiết kiệm thành phong trào và phải tự giác, gắn với lợi ích người sử dụng. Bên cạnh có chế tài mạnh và sớm thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, mang tính cạnh tranh, gắn với giá điện hai thành phần.

Đó là đề xuất của TS Trần Đình Thiên- nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tại tọa đàm “Tiết kiệm điện- Từ chính sách đến cuộc sống” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 15/5. Ông cũng cho rằng việc sử dụng tiêu tốn năng lượng đặt ra yêu cầu chúng ta phải thay đổi toàn bộ cấu trúc phát triển, để các nguồn tài nguyên không bị lãng phí.

Hiện nay, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả càng trở nên cấp bách và quan trọng hơn trong bối cảnh khi nguồn cung điện đang gặp nhiều thách thức. Trên thực tế, tổng thể các khâu, từ cấp phát, điều tiết, phân phối cho tới việc sử dụng điện còn có những bất cập, chưa hợp lý ở một số nơi, dẫn tới những hệ lụy đối với đời sống dân sinh và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Gần đây, Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo với những giải pháp hết sức toàn diện về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Theo ông Võ Quang Lâm- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), để có 1.000 USD, chúng ta đang tiêu thụ năng lượng gấp khoảng 2-3 lần các quốc gia khác. Ví dụ, so sánh theo hệ số quy đổi, để có 1.000 USD chúng ta cần 376 tấn dầu quy đổi, trong khi trung bình trên thế giới chỉ vào khoảng 170 tấn dầu quy đổi, với các nước trong OECD thì con số này khoảng 104 tấn dầu quy đổi, với Singapore là 99 tấn dầu quy đổi, Nhật Bản là 90 tấn dầu quy đổi. Vì vậy, đây là thách thức rất lớn để chúng ta phải làm tốt hơn công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đặc biệt là tiết kiệm điện trong thời gian tới.

Đặt vấn đề “phải chăng những chi phí tiết kiệm đang quá thấp làm cho người dân không cảm thấy cần phải làm điều đó”, ông Hà Đăng Sơn- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, đưa ra ví dụ: “Như vừa rồi chúng ta thấy, Nghị định 100 của Chính phủ về cấm rượu bia, xử phạt rất nặng. Trong câu chuyện này, người dân tuân thủ và dần thói quen, hành động của người dân khác hẳn. Phải chăng tiết kiệm điện, tiết kiệm tài nguyên cũng phải có những chế tài nặng như thế thay vì hiện nay các quy định đa phần vẫn mang tính chất khuyến khích, giáo dục”.

Đại diện Bộ Công Thương, EVN cho rằng, đã có nhiều giải pháp như tuyên truyền ý thức sử dụng tiết kiệm điện cho người dân, doanh nghiệp; cũng như ban hành kế hoạch kiểm tra chuyên ngành về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng.

YÊN HƯƠNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh