Cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp thông qua cải cách điều kiện kinh doanh tiếp tục được Chính phủ chú trọng trong những năm gần đây. Với việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, các bộ, ngành xây dựng kế hoạch cắt giảm quy định, trong đó có một số quy định về điều kiện kinh doanh.
Cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp thông qua cải cách điều kiện kinh doanh tiếp tục được Chính phủ chú trọng trong những năm gần đây. Với việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, các bộ, ngành xây dựng kế hoạch cắt giảm quy định, trong đó có một số quy định về điều kiện kinh doanh.
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, tổng số quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021-2023 là 2.770 quy định tại 224 văn bản quy phạm pháp luật trên tổng số 15.801 quy định kinh doanh được cập nhật, công khai trên Cổng Tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, các phương án cắt giảm, đơn giản hóa vẫn chưa thực sự đạt như kỳ vọng, đôi chỗ vẫn còn mang tính hình thức. Đáng chú ý, các vấn đề lớn, tác động đến doanh nghiệp, dường như thiếu vắng trong các phương án cắt giảm, đơn giản hóa.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, năm 2023, qua việc rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc 15 lĩnh vực quản lý nhà nước, cơ quan này nhận thấy còn 9 vấn đề tồn tại. Báo cáo của CIEM cũng ghi chú một số vấn đề bất cập như: còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định; điều kiện kinh doanh lồng ghép và chứa đựng các giấy phép; tồn tại điều kiện kinh doanh không cần thiết; điều kiện kinh doanh lồng ghép trong các quy chuẩn kỹ thuật và điều kiện kinh doanh thể hiện dưới hình thức chứng chỉ là khá phổ biến...
Trong khi đó, Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2023 mới đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chỉ rõ, tư duy của các nhà soạn chính sách vẫn nặng về “quản lý” thay vì “phục vụ”. Trong hệ thống pháp luật về kinh doanh hiện hành cũng như đang được soạn thảo, có một số biện pháp quản lý chưa phù hợp, quá mức cần thiết, không rõ mục tiêu quản lý, vô hình trung tạo gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Từ thực tế đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc cải cách điều kiện đầu tư, kinh doanh nhằm thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích sự phát triển doanh nghiệp là trọng tâm mà Chính phủ cùng các cấp ngành đang hướng tới cần phải đi vào thực chất hơn, có nhiều hành động quyết liệt hơn để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.
YÊN HƯƠNG