Mới đây, cử tri có ý kiến đề nghị xem xét, điều chỉnh cho thông tuyến BHYT trong phạm vi cả nước, để tránh thiệt thòi cho người tham gia BHYT. Cử tri cho rằng, hiện người dân mua BHYT tại địa phương sinh sống, nhưng khi đi công tác hoặc làm ăn tại tỉnh khác bị ốm đau phải đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh thì không được thanh toán đầy đủ chi phí BHYT theo quy định do trái tuyến.
Mới đây, cử tri có ý kiến đề nghị xem xét, điều chỉnh cho thông tuyến BHYT trong phạm vi cả nước, để tránh thiệt thòi cho người tham gia BHYT. Cử tri cho rằng, hiện người dân mua BHYT tại địa phương sinh sống, nhưng khi đi công tác hoặc làm ăn tại tỉnh khác bị ốm đau phải đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh thì không được thanh toán đầy đủ chi phí BHYT theo quy định do trái tuyến.
Trả lời vấn đề này, Bộ Y tế cho biết theo quy định của pháp luật về BHYT, trường hợp người tham gia BHYT đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh trên địa phương đó, tương đương với tuyến của cơ sở khám chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT.
Trường hợp địa phương đó không có cơ sở y tế tương đương, người tham gia BHYT được lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh khác có tổ chức khám chữa bệnh BHYT ban đầu. Đối với trường hợp này được xác định là đúng tuyến BHYT và được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT theo mức hưởng quy định.
Về thủ tục chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT đã được quy định tại Thông tư 14/2014 của Bộ Y tế quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám chữa bệnh. Theo đó, việc chuyển tuyến chỉ được thực hiện khi cơ sở khám chữa bệnh không đảm bảo về điều kiện chẩn đoán và chữa trị, phải chuyển tuyến lần lượt từ tuyến xã, huyện, tỉnh, Trung ương.
Theo Bộ Y tế, hiện người tham gia BHYT đã được thông tuyến huyện (năm 2016) và tuyến tỉnh (năm 2021) trên toàn quốc; được hưởng 40% khi khám chữa bệnh nội trú tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến Trung ương. Riêng việc mở rộng thông tuyến BHYT đối với tuyến Trung ương cần được nghiên cứu, xem xét để tránh quá tải cho tuyến Trung ương cũng như bảo đảm cân đối quỹ BHYT.
Riêng đề nghị xem xét có kiến nghị Chính phủ tăng mức hỗ trợ mua BHYT cho người dân vì hiện nay mức lương cơ sở tăng từ 1,4 triệu lên 1,8 triệu đồng dẫn đến phí BHYT tăng theo, Bộ Y tế cho hay BHYT thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT. Về mức đóng, mức hưởng BHYT được quy định cụ thể trong Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn được tính toán dựa vào khả năng đóng góp của các nhóm đối tượng, mức lương cơ sở, phạm vi quyền lợi và khả năng cân đối quỹ BHYT.
Để hỗ trợ người dân, hiện Nhà nước có hỗ trợ những đối tượng chính sách xã hội mua thẻ BHYT, theo đó người nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng... được Nhà nước đóng (100%). Người thuộc hộ gia đình cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng; người thuộc hộ gia đình nông lâm, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng…
Theo Bộ Y tế, mức đóng BHYT quy định như hiện nay là tương đối phù hợp, đảm bảo tương đối mức đóng so với mức hưởng, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT và cân đối thu chi quỹ BHYT.
AN NHIÊN