Lạc quan xuất khẩu đầu năm

07:02, 22/02/2024

Những ngày đầu năm mới, nhiều lô hàng nối tiếp nhau đi các thị trường lớn, nhiều đơn hàng mới được ký kết đã mở ra tín hiệu tích cực cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam.

 

Những ngày đầu năm mới, nhiều lô hàng nối tiếp nhau đi các thị trường lớn, nhiều đơn hàng mới được ký kết đã mở ra tín hiệu tích cực cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2024 ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng 12/2023. Có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (chiếm 65,7% tổng kim ngạch xuất khẩu) gồm: gỗ và sản phẩm gỗ; hàng dệt và may mặc; máy vi tính...

Nhóm hàng nông, thủy sản vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của cả nước với kim ngạch ước đạt 3,33 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng 12/2023 và chiếm 9,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Chưa bao giờ xuất khẩu cà phê có giá tốt như hiện nay và gạo, sầu riêng “lên ngôi” liên tiếp trong nhiều tháng qua… Tại ĐBSCL-vùng nông, thủy sản lớn nhất cả nước ngay đầu năm cũng “gặt hái” những tín hiệu tích cực. Cụ thể, mới đây tỉnh An Giang đã tổ chức lễ công bố xuất khẩu 13 tấn xoài hạt lép đầu tiên sang thị trường Hàn Quốc.

Đây là thị trường tiềm năng và có nhiều dư địa cho mặt hàng xoài của nước ta. Càng phấn khởi hơn khi được biết, từ cuối năm 2022 đến nay, địa phương này đã xuất khẩu được hơn 300 tấn xoài các loại sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia...Điều này cho thấy, liên kết sản xuất tập trung, chất lượng là giải pháp gia tăng lợi nhuận bền vững cho bà con nhà vườn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, thị trường đang phục hồi tốt và “mặt hàng nào xuất khẩu cũng tăng đột biến”. Lạc quan là vậy, song theo dự đoán năm 2024 xuất khẩu sẽ tiếp tục đối mặt khó khăn mới- đó là chi phí đầu vào; tác động bởi suy thoái, nhiều thị trường đang chựng lại và không có tăng trưởng…

Vì vậy, giải pháp mà Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đưa ra tới đây, là sẽ thúc đẩy mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng; đồng thời, tận dụng các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực.

Riêng với thị trường Trung Quốc có sức tiêu thụ hàng hóa rất lớn, muốn khơi thông phải làm cửa khẩu thông minh, đẩy mạnh logistics, thương mại điện tử. Cùng với đó là đẩy nhanh việc hình thành các sàn giao dịch hàng hóa, tiến đến giao dịch minh bạch, rõ ràng, giảm thiểu các tầng nấc trung gian…

Tận dụng được những lợi thế cùng với nền tảng tăng trưởng vững chắc hiện có, xuất khẩu mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm 2024 sẽ không khó để đạt được.

N. HOÀNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh