Ngày 18/1/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, với đa số phiếu tán thành Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), tức Luật Đất đai 2024. Luật Đất đai 2024 gồm 16 chương và 260 điều và có một số điểm mới so với Luật Đất đai 2013. Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Ngày 18/1/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, với đa số phiếu tán thành Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), tức Luật Đất đai 2024. Luật Đất đai 2024 gồm 16 chương và 260 điều và có một số điểm mới so với Luật Đất đai 2013. Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Một số điểm mới đáng lưu ý của Luật Đất đai 2024 là đã hoàn thiện quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (SDĐ) theo hướng đổi mới quy trình, nội dung, phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch SDĐ.
Trong đó có việc tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch SDĐ thông qua việc tổ chức lấy ý kiến; bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc thực hiện các quyền của người SDĐ trong các khu vực quy hoạch.
Quy hoạch SDĐ đã được công bố mà chưa có kế hoạch SDĐ hàng năm cấp huyện thì người SDĐ được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người SDĐ. Các địa phương được phân cấp trong xác định chỉ tiêu quy hoạch để các địa phương chủ động phát triển kinh tế- xã hội.
Về thu hồi, bồi thường hỗ trợ tái định cư, Luật Đất đai 2024 đã quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Các dự án mà Nhà nước thu hồi trong trường hợp này phải là các dự án: xây dựng công trình công cộng; xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp và các trường hợp khác. Luật cũng quy định các trường hợp cụ thể Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã cơ bản bao quát.
Về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích SDĐ, luật quy định cụ thể các trường hợp giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu và các trường hợp phải thông qua đấu giá quyền SDĐ, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có SDĐ, quy định cụ thể các trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18 của Trung ương.
Luật đã quy định cụ thể điều kiện, thẩm quyền cho phép chuyển mục đích SDĐ, trong đó phân cấp toàn bộ thẩm quyền chấp thuận việc chuyển mục đích SDĐ trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho HĐND cấp tỉnh.
Luật quy định ban hành bảng giá đất hàng năm để bảo đảm bám sát diễn biến thực tế thị trường và mở rộng phạm vi áp dụng bảng giá đất.
Luật quy định UBND tỉnh có trách nhiệm trình HĐND quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 1/1 của năm tiếp theo hoặc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong năm và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm bảng giá đất sẽ được cập nhật phù hợp với thực tế.
Ngoài ra, luật quy định các nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trong đó có nguyên tắc: Khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất thu hồi. Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất.
AN NHIÊN