"Cơn khát" vật liệu cát cho các dự án cao tốc, đặc biệt tại khu vực ĐBSCL đang trở nên cấp thiết nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trước ngày 20/1, Bộ GT-VT, Bộ TN-MT phải báo cáo kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp cho các dự án hạ tầng giao thông.
“Cơn khát” vật liệu cát cho các dự án cao tốc, đặc biệt tại khu vực ĐBSCL đang trở nên cấp thiết nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trước ngày 20/1, Bộ GT-VT, Bộ TN-MT phải báo cáo kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp cho các dự án hạ tầng giao thông.
Theo ước tính của Bộ GT-VT, tổng nhu cầu cát đắp nền cho 4 dự án cao tốc ĐBSCL hơn 50 triệu m3. Cát sử dụng chủ yếu tập trung ở Đồng Tháp, An Giang, tuy nhiên tổng trữ lượng cung cấp chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu.
Theo đánh giá, về cơ bản các dự án triển khai đang thực hiện theo kế hoạch, tuy nhiên một số dự án vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Đến nay, trong 12 dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam giai đoạn 2 thì có tới 7 dự án đang chậm tiến độ, đặc biệt 2 dự án Cần Thơ- Hậu Giang và Hậu Giang- Cà Mau chậm từ 13-20%, trong khi một số dự án khu vực miền Trung chậm từ 1-2%.
Điều đáng nói, là các dự án đi qua khu vực ĐBSCL nền đất yếu, phải xử lý nền đường và gia tải chờ lún. Nếu các địa phương không đẩy nhanh những thủ tục khai thác, cung cấp vật liệu trước tháng 6 năm nay tiến độ dự án rất khó đảm bảo.
Bộ GT-VT cho biết đã phối hợp với các bộ ngành triển khai thi công thí điểm sử dụng vật liệu cát biển đắp nền đường tại dự án Hậu Giang- Cà Mau. Kết quả được đánh giá khả quan, các chỉ tiêu của vật liệu cát biển đắp nền đường cơ bản thỏa mãn tiêu chuẩn, không ảnh hưởng tới điều kiện môi trường, đặc biệt là các khu vực nhiễm mặn. Ngoài ra, Bộ TN-MT cũng đã hoàn thành đề án đánh giá, khoanh vùng các khu vực có thể khai thác cát biển,...
Tuy nhiên, việc chậm báo cáo kết quả thí điểm chính thức gửi Chính phủ để triển khai mở rộng quy mô thí điểm sẽ ảnh hưởng không nhỏ tiến độ nhiều công trình.
Mới đây, Thủ tướng cũng đã ban hành công điện yêu cầu sớm dùng cát biển làm vật liệu san lấp ở ĐBSCL. Điều này là có cơ sở, bởi quỹ thời gian cho mục tiêu hoàn thành 3.000km cao tốc vào năm 2025 còn lại rất ngắn.
Với một vật liệu hoàn toàn mới như cát biển thì sự thận trọng của các bộ được giao chủ trì thí điểm là dễ hiểu, nhằm đánh giá độ rủi ro về tác động lâu dài như độ nhiễm mặn, mức độ tác động đến cây trồng, vật nuôi của khu vực... Tuy nhiên, trước yêu cầu cấp thiết đặt ra, sự chậm trễ trong quyết định cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ các công trình, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia.
N. HOÀNG