Để nền kinh tế hấp thụ 2 triệu tỷ đồng vốn tín dụng

08:01, 05/01/2024

Năm 2024, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15%, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế. Đó là thông tin tại cuộc họp báo mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra, đồng thời khẳng định tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng (TCTD) cung ứng nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy tổng cầu.

Năm 2024, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15%, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế. Đó là thông tin tại cuộc họp báo mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra, đồng thời khẳng định tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng (TCTD) cung ứng nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy tổng cầu.
 
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, nền kinh tế nói chung, hoạt động của ngành ngân hàng nói riêng đã trải qua năm 2023 đầy khó khăn, thách thức. Nhưng đến nay, NHNN thống kê tăng trưởng tín dụng đạt ở mức 13,5%. 
 
Trong năm 2023, NHNN liên tục 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2,0 %/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường.
 
Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng hơn 2,0 %/năm so với cuối năm 2022.
 
Với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tính đến cuối năm 2023 đạt 13,5%, tăng 15% so với cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế trong năm 2023 đạt gần 13,6 triệu tỷ đồng, theo đó ước tính 1,3 triệu tỷ đồng đã được bơm ra. Năm 2024, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15%, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế. 
 
Phó Thống đốc cho biết, NHNN sẽ điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
 
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
 
Bên cạnh đó, NHNN khẳng định, sẽ theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.
 
“NHNN tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng”- Phó Thống đốc NHNN nói.
YÊN HƯƠNG 
 
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh