Năm 2023, chứng kiến sự phục hồi của ngành du lịch với những con số thống kê đều đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra và cao hơn cùng kỳ năm trước, tại hội nghị tổng kết ngành văn hóa- TT-DL, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặt chỉ tiêu năm 2024, phấn đấu tổng thu từ du lịch ước đạt 850.000 tỷ đồng.
Năm 2023, chứng kiến sự phục hồi của ngành du lịch với những con số thống kê đều đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra và cao hơn cùng kỳ năm trước, tại hội nghị tổng kết ngành văn hóa- TT-DL, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặt chỉ tiêu năm 2024, phấn đấu tổng thu từ du lịch ước đạt 850.000 tỷ đồng.
Liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương, các vùng tiếp tục được tăng cường. Du lịch Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng bứt phá khi khách du lịch quốc tế năm 2023 ước đạt 12,5 triệu lượt (vượt xa mục tiêu 8 triệu lượt khách và gấp 3,5 lần năm 2022); khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt, vượt 5,8% kế hoạch; tổng thu từ du lịch ước đạt 672.000 tỷ đồng, vượt 3,38%. Nhưng thực tế du lịch vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ về chính sách cũng như những quyết tâm, đột phá của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Tại hội nghị tổng kết ngành văn hóa-TT-DL, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo công tác trọng tâm của lĩnh vực du lịch trong năm 2024 và đề ra những chỉ tiêu quan trọng: Tổ chức đánh giá, tổng kết việc thi hành Luật Du lịch 2017; sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đổi mới mạnh mẽ phương thức, nội dung xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số nhằm tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong du lịch.
Phát triển du lịch theo hướng “Sản phẩm đặc sắc- Dịch vụ chuyên nghiệp- Thủ tục thuận tiện, đơn giản- Giá cả cạnh tranh- Môi trường vệ sinh sạch đẹp- Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.
Tập trung triển khai các chương trình, chiến lược, đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan để đề xuất những cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển toàn diện, đồng bộ ngành du lịch (như về thuế, đất đai, tự chủ, cơ chế phối hợp…).
Thủ tướng yêu cầu phấn đấu năm 2024, ngành du lịch đón và phục vụ 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 850.000 tỷ đồng. Để đạt được những chỉ tiêu này, ngành du lịch cần tiếp tục nỗ lực lớn cùng với sự quyết liệt đồng bộ giữa các ngành, các địa phương tạo nên sự đột phá trong thu hút nguồn khách cả quốc tế và nội địa.
Hơn cả mong muốn lấy lại đà phục hồi, tăng trưởng, du lịch Việt Nam cần đặt mục tiêu, khát vọng lớn hơn là trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực và thế giới. Cần có sự so sánh cụ thể với những nước đứng đầu về du lịch chỉ trong khu vực Đông Nam Á và chúng ta cần thời gian bao lâu để vượt qua họ để trở thành nước phát triển du lịch số một trong khu vực?
NGỌC TRẢNG