Toàn ngành lao động- TB- XH đã chủ động trong công tác tham mưu hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển xã hội, an sinh. Các giải pháp phục hồi thị trường lao động được triển khai hiệu quả, nhất là giải quyết các vấn đề an sinh cho lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp.
Toàn ngành lao động- TB- XH đã chủ động trong công tác tham mưu hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển xã hội, an sinh. Các giải pháp phục hồi thị trường lao động được triển khai hiệu quả, nhất là giải quyết các vấn đề an sinh cho lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024 mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhận định, hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19 cùng với tác động của thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường bất động sản đã ảnh hưởng tới tăng trưởng của nền kinh tế, thu nhập việc làm, an sinh, kéo theo các vấn đề xã hội khác. Tình trạng lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp đã diễn ra từ quý IV/2022, kéo dài sang quý II/2023 ở nhiều địa phương và có xu hướng chuyển dịch sang khu vực phi chính thức.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, quyết liệt của BCH Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân Việt Nam đã vượt những cơn gió ngược.
Kết quả phát triển kinh tế- xã hội đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tăng trưởng GDP năm 2023 ước đạt trên 5%. Trên 220.000 doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại hoạt động. Đã đón khoảng 13 triệu lượt khách du lịch quốc tế cao hơn mục tiêu 5 triệu khách. Thị trường lao động phục hồi tích cực, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, giảm 1,1%, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo. Theo báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2023, so với năm trước Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 77 lên vị trí 65 trong hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ được đánh giá.
Năm 2024, kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế của thời đại, nhân lực chất lượng cao chính là tài nguyên quan trọng nhất và nhân tài chính là động lực đột phá để Việt Nam rút ngắn khoảng cách với các nước khác. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu bộ, ngành cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực thực hiện chính sách xã hội theo hướng linh hoạt, hiệu quả; nguồn lực nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tăng cường xã hội hóa, hợp tác công-tư trong thực hiện chính sách xã hội. Chú trọng dự báo sát nhu cầu của thị trường lao động để chủ động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực với cơ cấu hợp lý đảm bảo hài hòa cung- cầu, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân.
N. HOÀNG