Tạo chuỗi giá trị bền vững cho hạt gạo

04:12, 15/12/2023

Phát triển lúa gạo an toàn, chất lượng, bền vững. Đó là mục tiêu ngành hàng lúa gạo Việt Nam hướng tới và được đề cập đến nhiều tại Hội thảo Quốc tế "Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới" do Bộ Nông nghiệp-PTNT và UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp tổ chức, trong chuỗi các sự kiện diễn ra tại Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam- Hậu Giang 2023.

Phát triển lúa gạo an toàn, chất lượng, bền vững. Đó là mục tiêu ngành hàng lúa gạo Việt Nam hướng tới và được đề cập đến nhiều tại Hội thảo Quốc tế “Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới” do Bộ Nông nghiệp-PTNT và UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp tổ chức, trong chuỗi các sự kiện diễn ra tại Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam- Hậu Giang 2023.

Thông tin từ hội nghị, thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế thời gian tới tiếp tục sôi động do nhu cầu nhập khẩu gạo lớn từ một số quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, các nước Trung Đông và châu Phi. Năm 2023, xuất khẩu gạo tăng mạnh trong bối cảnh thị trường lúa gạo nhiều biến động.

Trong 11 tháng của năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam ước đạt 7,75 triệu tấn về sản lượng và hơn 4,4 tỷ USD về giá trị, tăng tương ứng 16,2% và 36,3% so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng ước đạt 568 USD/tấn, tăng 17,3% so với cùng kỳ.

Tỷ trọng giống lúa chất lượng cao của Việt Nam tăng từ 50% năm 2015 lên 74% năm 2020. Khối lượng gạo xuất khẩu được giữ ở mức 6 triệu tấn và có xu hướng tăng trưởng qua các năm, với giá trị xuất khẩu liên tục trên 3 tỷ USD mỗi năm.

Trước những cơ hội và thách thức mà ngành hàng lúa gạo Việt Nam đang phải đối mặt, theo các đại biểu, một trong những hạn chế của ngành hàng lúa gạo Việt Nam là thiếu gắn kết giữa các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, gây khó khăn lẫn nhau.

Trong đó nổi lên là sự thiếu gắn kết giữa nông dân với nhau, giữa nông dân với thị trường. Để giải quyết các thách thức, một số phương án đề xuất về chính sách trong tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến, thị trường và thương mại, tiêu thụ.

Theo đó, tại khâu đầu sản xuất, cần tập trung đến khuyến nông và nghiên cứu giống lúa, đất. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư hợp tác công tư vào chế biến. Xúc tiến đầu tư hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.

Hơn nữa, yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu ngày càng cao, các nước đang ngày càng nâng cao về các biện pháp, rào cản kỹ thuật để hạn chế, kiểm soát hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Do vậy, bên cạnh việc chuẩn hóa vùng nguyên liệu, ngành hàng lúa gạo, đặc biệt là khối doanh nghiệp phải xác định và có chương trình, kế hoạch để nâng cao thương hiệu của ngành hàng.

Để góp phần lan tỏa sâu rộng giá trị lúa gạo, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Trần Thanh Nam: “Khuyến nông, HTX, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế cần cùng chung tay xây dựng ngành hàng lúa gạo minh bạch, trách nhiệm, bền vững”.

YÊN HƯƠNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh