Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu

03:12, 20/12/2023

Theo Kết luận số 48 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ thực hiện sắp xếp trong thời gian tới.

Theo Kết luận số 48 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ thực hiện sắp xếp trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đến thời điểm này 56/56 địa phương đã gửi phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 để cho ý kiến, số còn lại sau khi rà soát không nằm trong diện phải sắp xếp cấp huyện, xã. Qua rà soát, sẽ có 33 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.327 cấp xã thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính.

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều người khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã thì các chế độ, chính sách về tuyển dụng, sử dụng, quản lý và các chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị cấp huyện và cán bộ cấp xã dôi dư do sắp xếp được giải quyết như thế nào?

Theo Bộ Nội vụ, ngày 30/11/2023, Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW hướng dẫn thực hiện sắp xếp tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức cơ quan đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội ở những địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Theo đó, các chế độ, chính sách về tuyển dụng, sử dụng, quản lý và các chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị cấp huyện và cán bộ cấp xã dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 37-NQ/TW, Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện theo quy định của Chính phủ, hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương. Cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị- xã hội ở huyện, xã thì được áp dụng theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP, ngày 9/3/2015 của Chính phủ; Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW, ngày 20/12/2019 của Ban Tổ chức Trung ương. Trường hợp thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thì thực hiện theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP, ngày 3/6/2023 của Chính phủ.

Đối với cán bộ, công chức thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc giữ chức vụ lãnh đạo có phụ cấp chức vụ (bao gồm bầu cử, bổ nhiệm) thấp hơn lúc chưa sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhưng vẫn là cán bộ, công chức tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị ở đơn vị hành chính sau sắp xếp được hưởng nguyên lương, phụ cấp và bảo lưu phụ cấp chức vụ đến hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm hoặc hết nhiệm kỳ đại hội của tổ chức đó.

Trước đó, tại Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý trong quá trình triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tư tưởng phải thông, hành động phải rất quyết liệt, bảo đảm đúng quy định, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, không cầu toàn, không nóng vội, bảo đảm ổn định của hệ thống chính trị, đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Song song đó, Thủ tướng yêu cầu phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu đề ra. Phải có sự vào cuộc sát sao, trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, nhất là cấp ủy, chính quyền tại các địa phương thực hiện sắp xếp.

AN NHIÊN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh