Phát huy giá trị di sản, nói dễ- làm khó!

06:12, 02/12/2023

Một di tích, một làng nghề sau khi được công nhận di sản cấp tỉnh, hoặc cấp quốc gia hay tầm quốc tế, trước hết là có điều kiện tốt nhất để bảo tồn, trùng tu, tôn tạo thường xuyên, tránh được nguy cơ bị tổn hại, bị mất đi.

Một di tích, một làng nghề sau khi được công nhận di sản cấp tỉnh, hoặc cấp quốc gia hay tầm quốc tế, trước hết là có điều kiện tốt nhất để bảo tồn, trùng tu, tôn tạo thường xuyên, tránh được nguy cơ bị tổn hại, bị mất đi. Nhưng để phát huy giá trị của di sản trong đời sống hiện tại và cả về tương lai, thì chúng ta nghe nói rất nhiều, nhưng làm thì có vẻ không hề dễ.

Cái khó ở đây không chỉ là khó về kinh phí, nguồn lực đầu tư để có thể thực hiện những dự án xoay quanh di sản; cái khó lớn nhất chính là “lòng người”. Cái mà chúng ta không phải mất tiền bạc, công sức, mà nó chỉ là tấm lòng, là tình yêu quý, sự trân trọng đối với di sản và chúng ta thể hiện nó từ những điều đơn giản nhất, nhỏ nhặt nhất nhưng lại vô cùng quan trọng.

Mà cái này nó không thuộc về trách nhiệm của riêng ai, nó phải là trách nhiệm của người dân trong vùng di sản, làm cho nó có sự lan tỏa rộng ra càng xa, càng tốt. Câu chuyện về tàu hủ ky là một thí dụ nhỏ, hơn 20 năm trước ở Bình Minh không có quán nào có món ăn về tàu hủ ky.

Nhưng giờ thì hầu hết các quán đều có, nếu không có nhưng thực khách hỏi thì chỉ cần đợi chút xíu là có ngay. 3-4 năm trước ra chợ Bình Minh hỏi mua món óc đậu (tinh túy từ tàu hủ ky) không hề có, mà chỉ là biếu tặng từ các chủ lò; nhưng giờ thì lúc nào cũng có sẵn ngoài chợ. Đó là do có người muốn thưởng thức, rồi truyền miệng với nhau, hay khi tiếp khách từ nơi khác tới họ tận tâm giới thiệu, họ khoe cái ngon, cái độc đáo của ẩm thực địa phương mình, rồi dần thành có nhu cầu tất có cung từ quán xá, ra đến ngoài chợ.

Mà những người có uy tín, có ảnh hưởng lớn, thường xuyên tiếp khách chỉ cần một lần giới thiệu món ăn là một lần tăng độ lan tỏa của sản phẩm làng nghề. Sau bữa tiệc, một gói quà nho nhỏ đề tên sản phẩm của làng nghề di sản. Chỉ vậy thôi mà.

Sau khi được công nhận di sản thì sản phẩm của làng nghề cũng chưa thể lan tỏa một cách đại trà ra khỏi khu vực loanh quanh Bình Minh.

Dù đây là món ăn rất thông dụng, ngon, bổ dưỡng, hay như tàu hủ ky chiên xù là món nhấm… đợi mồi không thể tốt hơn. Vài chục ngàn thôi, mỗi người truyền miệng thì sức lan tỏa nhanh biết bao. Nghĩ đến những việc làm nhỏ nhất, thiết thực nhất còn chưa được quan tâm, thì khoan hãy bàn đến những chuyện to tát làm du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề tàu hủ ky…

Những làng nghề tàu hủ ky hàng mấy trăm năm của Nhật Bản tồn tại, phát triển mạnh mẽ, là nhờ dân họ ngày nào cũng có món ăn từ tàu hủ, như món súp misho truyền thống chẳng hạn. Dân mình không thương cọng tàu hủ ky xứ mình, thì làm sao nó mạnh mẽ bay xa được.

Phát huy giá trị di sản quê mình đôi khi cũng đơn giản thôi mà!

NGỌC TRẢNG

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh