Ngày 24/12, cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ được khánh thành không chỉ rút ngắn khoảng cách địa lý, giảm thời gian đi lại mà quan trọng hơn là khơi thông nguồn lực, mở ra không gian phát triển mới cho vùng ĐBSCL.
Ngày 24/12, cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ được khánh thành không chỉ rút ngắn khoảng cách địa lý, giảm thời gian đi lại mà quan trọng hơn là khơi thông nguồn lực, mở ra không gian phát triển mới cho vùng ĐBSCL.
Cầu Mỹ Thuận 2 là dự án trọng điểm quốc gia, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt (có tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng). Cầu Mỹ Thuận 2 nằm trên trục đường cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đi TP Cần Thơ, kết nối 2 tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận và Mỹ Thuận- Cần Thơ, nối liền tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang. Cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ có tổng chiều dài gần 23km, đi qua hai tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp, với tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng.
Việc đưa vào khai thác 2 dự án trên kết hợp với các tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh- Trung Lương- Mỹ Thuận đến Cần Thơ có ý nghĩa quan trọng, làm giảm thiểu ùn tắc, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ chỉ còn hơn 2 giờ thay vì 3,5 giờ như hiện nay.
Ngoài ra, 2 dự án trên còn góp phần hoàn thiện hệ thống vận tải, logistics trong khu vực. Đồng thời, giảm áp lực giao thông ngày càng lớn cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu và QL1, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ngày càng tăng cao, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội khu vực Tây Nam Bộ.
Tuyến đường cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 là 2 dự án cuối của tuyến cao tốc Bắc- Nam phía Đông đoạn từ TP Hồ Chí Minh đến TP Cần Thơ dài 120km. 2 dự án này hoàn thành đưa vào khai thác sẽ hình thành một tuyến hành lang giao thông trục dọc ĐBSCL hoàn chỉnh và hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của các tỉnh vùng Tây Nam Bộ nói chung và các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp nói riêng.
Đối với tỉnh Vĩnh Long, 2 dự án này khi đưa vào khai thác càng có ý nghĩa quan trọng. Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời cho biết: “Dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng. 2 dự án này góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, hệ thống vận tải, logistics khu vực ĐBSCL; nối liền tuyến đường cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, trở thành trục huyết mạch kết nối giao thương các tỉnh, thành trong vùng với trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là TP Hồ Chí Minh. Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất tốt hơn, thu hút đầu tư vào các vùng đã quy hoạch phát triển sản xuất kinh doanh, các khu, cụm công nghiệp, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh cho các tỉnh, thành trong vùng”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, thực tiễn đã chứng minh, giao thông vận tải nói chung và đường bộ cao tốc, sân bay, bến cảng nói riêng mang lại hiệu quả rõ nét về phát triển kinh tế- xã hội. Giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả và đặc biệt là giảm chi phí logistics, tạo thuận lợi cho Nhân dân đi lại thuận lợi, dễ dàng, tiết kiệm thời gian và công sức.
AN NHIÊN