Một cuộc tổng kết cả một giai đoạn lịch sử dài gần 50 năm kể từ sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất; đó thực sự vô cùng quan trọng và bao quát những nội dung khá đồ sộ về văn hóa, văn nghệ tại một cuộc hội thảo vừa diễn ra (12/12) ở Hà Nội do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức.
Một cuộc tổng kết cả một giai đoạn lịch sử dài gần 50 năm kể từ sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất; đó thực sự vô cùng quan trọng và bao quát những nội dung khá đồ sộ về văn hóa, văn nghệ tại một cuộc hội thảo vừa diễn ra (12/12) ở Hà Nội do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức.
Từ cột mốc lịch sử 1975, gần 50 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam tiếp tục làm những cuộc cách mạng đổi mới đáng kinh ngạc, sự phát triển, đổi thay kỳ vĩ đã tạo nên cái nhìn khác của thế giới về đất nước và con người Việt Nam.
Nhưng trong sự phát triển mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội của đất nước, thì sự đóng góp của văn hóa, văn nghệ còn khá khiêm nhường, chưa tương xứng với vị trí, vai trò mà từ ngày thành lập đến nay Đảng ta luôn quan tâm, xem lĩnh vực văn hóa, văn nghệ là mặt trận quan trọng trong sự nghiệp cách mạng và văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó.
Đời sống văn nghệ như “tụt lại phía sau”, chưa tương xứng với vị thế, tầm vóc và sự đổi thay vượt bậc của đất nước.
Số lượng tác phẩm lớn, có giá trị, sức ảnh hưởng còn khá khiêm tốn; cùng với đó, là công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật lại càng tỏ ra hạn chế, chưa bắt kịp với yêu cầu định hướng sáng tác, sáng tạo đáp ứng yêu cầu phục vụ đời sống tinh thần của quần chúng và thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
Đó là những vấn đề đặt ra, đòi hỏi và sự kỳ vọng vào những đóng góp tâm huyết tại cuộc hội thảo mang tầm vóc thế kỷ. Tìm ra những bất cập, nguyên nhân hạn chế và đề ra những quyết sách, những điều chỉnh và định hướng phù hợp mở đường “khơi thông” mọi sự sáng tạo đáp ứng yêu cầu trong thời đại mới.
Yêu cầu đặt ra cho công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật là cần góp phần tích cực hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa, văn nghệ đối với sự phát triển; đặt văn hóa, văn nghệ đúng vị trí, xứng tầm trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội; thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa phát triển; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ và huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa, văn nghệ, con người.
Hội thảo đã nhận được nhiều nhận định thẳng thắn, xác đáng, những đề xuất mang tính thực tiễn cao nhằm hướng tới giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa, văn nghệ, nhất là công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật giàu tính dân tộc, khoa học, tiên tiến, dân chủ, nhân văn.
NGỌC TRẢNG