Cần tháo gỡ "nút thắt" thể chế hợp tác

07:12, 29/12/2023

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh ĐBSCL vừa qua đã công bố Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023. Báo cáo được thực hiện bởi VCCI ĐBSCL và Trường Chính sách công và quản lý Fulbright (FSPPM) với hơn 30 chuyên gia trong nhiều lĩnh vực tham gia thực hiện.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh ĐBSCL vừa qua đã công bố Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023. Báo cáo được thực hiện bởi VCCI ĐBSCL và Trường Chính sách công và quản lý Fulbright (FSPPM) với hơn 30 chuyên gia trong nhiều lĩnh vực tham gia thực hiện.

Theo Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023 cho thấy, trong năm 2022 và 9 tháng năm 2023, lần đầu tiên sau hơn 10 năm, tăng trưởng kinh tế của vùng ĐBSCL mới lại cao hơn bình quân cả nước. Tuy nhiên, báo cáo cũng đưa ra dự báo: Tăng trưởng kinh tế năm 2023 của ĐBSCL sẽ giảm mạnh so với năm 2022 và khó quay về mức trước đại dịch COVID-19. Kết quả nghiên cứu cho thấy, vòng xoáy đi xuống về nguồn nhân lực vẫn đang tiếp diễn ở ĐBSCL. Sau 2 năm đại dịch với dân số tăng mạnh do lao động hồi hương, đến năm 2022, tình hình dân số vùng ĐBSCL quay về xu hướng trước đó khi người lao động bắt đầu quay trở lại vùng Đông Nam Bộ.

Tuy nông nghiệp giữ vai trò quan trọng nhất trong GRDP của ĐBSCL nhưng lại không phải là động lực chính thúc đẩy kinh tế. Ngành này hiện tạo ra 34% GRDP của vùng, được đầu tư lớn thứ hai (khoảng 32 ngàn tỷ đồng mỗi năm) nhưng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng dưới mức trung vị (3%). Điều này một lần nữa ngụ ý rằng, thể chế và mô hình nông nghiệp hiện tại không còn nhiều không gian tăng trưởng và cần phải được thay đổi một cách cơ bản.

Báo cáo nhận định, ĐBSCL giàu tiềm năng nhưng lại đang tụt hậu so với đà tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Theo ông Phạm Tấn Công- Chủ tịch VCCI: “Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm nay đã khẳng định: Thể chế hợp tác vùng rất quan trọng với ĐBSCL. Đây là tiền đề để chính quyền các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ, để doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh thuận lợi, để nguồn lực được sử dụng hiệu quả nhất. Cải thiện mạnh mẽ thể chế hợp tác vùng là cơ sở và nền tảng quan trọng để ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới”.

Báo cáo cũng nêu rõ: Năm 2023 chọn “Các nút thắt thể chế, quản trị và liên kết vùng” là chủ đề chính để phân tích, đồng thời đưa ra 5 nhóm khuyến nghị gồm: Sửa đổi Luật Đất đai; Tư duy mới về an ninh lương thực; Quản trị và quản lý tài nguyên nước; Thể chế quản trị và điều phối vùng ĐBSCL và nhóm khuyến nghị về các thể chế liên kết phi chính thức và vi mô khác. Ông Nguyễn Phương Lam- Giám đốc VCCI chi nhánh ÐBSCL, cho rằng nếu cải thiện mạnh mẽ thể chế hợp tác, vùng có thể trở thành điểm sáng.

YÊN HƯƠNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh