"Từ giữa năm 2022 đến nay, những gì kinh tế Việt Nam phải đương đầu, vượt qua và đạt được không phải chỉ chúng ta mà thế giới đều thừa nhận "Việt Nam đang lội ngược dòng"- TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024, do Báo Người Lao Động tổ chức.
“Từ giữa năm 2022 đến nay, những gì kinh tế Việt Nam phải đương đầu, vượt qua và đạt được không phải chỉ chúng ta mà thế giới đều thừa nhận “Việt Nam đang lội ngược dòng”- TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024, do Báo Người Lao Động tổ chức.
Theo đó, Chính phủ nhiều lần sử dụng “3 động lực phát triển” là xuất khẩu, thị trường nội địa và đầu tư công để kích tổng cầu. Gần đây là “cỗ xe tứ mã” gồm tiếp tục đổi mới, tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công để nâng tổng cầu nền kinh tế.
Trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động, Quốc hội, Chính phủ liên tục ban hành các nghị quyết, chính sách để đưa nền kinh tế vượt qua sóng gió, nhất là tác động từ bên ngoài.
Sự linh hoạt ứng biến về chính sách và những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua đã thu được kết quả. Năm 2023, dự báo tăng trưởng GDP khoảng 5%, tuy chưa bằng 2019 nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực.
Nhìn nhận về năm 2024, theo TS Trần Du Lịch: “Tôi cho rằng đã đến lúc phải khai thác được thị trường nội địa. Đây là trọng tâm cân đối với chính sách nền kinh tế hướng về xuất khẩu và củng cố nội lực”.
Kích cầu tiêu dùng nội địa được cho là giải pháp thiết thực nhất. Đặc biệt là gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hướng vào các doanh nghiệp nội địa. Cần chính sách gắn khuyến khích tiêu dùng trong nước với sản xuất trong nước, thì hệ số nhân tài khóa mới lan tỏa.
Theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn- Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, việc giảm từ 10 xuống 8% là cần thiết, vì thuế giá trị gia tăng lan tỏa rất mạnh trong các lĩnh vực. Có điều, chính sách thuế cần giảm với lộ trình đủ dài, như trong 2 năm, thay vì giảm từng lần 6 tháng sẽ khó tạo động lực cho thị trường.
Bởi người dân chi tiêu còn phụ thuộc vào thu nhập dự kiến trong tương lai. Ngoài ra, cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Bởi thuế thu nhập cá nhân đã lạc hậu. Cần đồng bộ, dứt khoát, mạnh mẽ các giải pháp.
Cùng với đó, cần phát triển hệ thống phân phối và tiêu dùng nội địa. Nếu không nắm được hệ thống phân phối trong nước sẽ mất nền sản xuất trong nước. Bản thân nhà phân phối của Việt Nam phải chủ động giữ sân nhà, vì thông qua hệ thống phân phối đó, hàng Việt Nam mới có thể đi vào thị trường, thậm chí mở rộng ra các thị trường lân cận.
YÊN HƯƠNG