Một xu thế không thể đảo ngược

05:11, 22/11/2023

Trong phiên thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2023 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đánh giá trong năm 2023, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp toàn diện của BCĐ Trung ương về PCTN, tiêu cực, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư đã có nhiều điểm đột phá đi vào chiều sâu với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. 

Trong phiên thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2023 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đánh giá trong năm 2023, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp toàn diện của BCĐ Trung ương về PCTN, tiêu cực, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư đã có nhiều điểm đột phá đi vào chiều sâu với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Theo đó, công tác PCTN đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình ủng hộ.

Chúng ta đều biết, đấu tranh PCTN, tiêu cực là một việc làm rất cần thiết và tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược, đó là một trong những nội dung được khẳng định trong tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN, tiêu cực” đã góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, cũng là quan điểm của Đảng ta trong công tác PCTN, tiêu cực hiện nay.

Theo thống kê của ngành chức năng, trong năm tội phạm tham nhũng chức vụ tăng hơn 51% số vụ, số người tăng hơn 96%, trong đó tội nhận hối lộ tăng hơn 346%. Điều này cho thấy công tác PCTN rất quyết liệt, phát hiện đến đâu sẽ xử lý đến đó, không có vùng cấm, không ngoại lệ.

Tuy nhiên, qua báo cáo của Chính phủ, qua tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến của cử tri và Nhân dân cũng còn băn khoăn, lo lắng và trăn trở về tình trạng tham nhũng, tiêu cực ngày một tinh vi hơn, vẫn còn tham nhũng vặt và nhũng nhiễu đối với các doanh nghiệp và người dân. Thậm chí tham nhũng tiêu cực xảy ra ngay ở một số người làm nhiệm vụ PCTN, tiêu cực, trong một số cơ quan thanh tra, kiểm tra và điều tra, xét xử.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội, đại biểu dẫn lại vụ Vạn Thịnh Phát, cán bộ thực hiện hành vi làm khống cả ngàn hồ sơ để vay tín dụng trên một triệu tỷ đồng của ngân hàng SCB. Trong đó, có trên 500.000 tỷ đồng tiền gửi của người dân, thậm chí Trưởng đoàn thanh tra của ngân hàng nhận hối lộ 5,2 triệu USD.

Có thể nói, đây là một vụ nhận hối lộ bằng tiền mặt nhiều nhất từ trước đến nay và vụ án này có số lượng tiền bị chiếm dụng rất cao, có khả năng thất thoát cũng nhiều nhất. Theo đại biểu, vụ này có thể chỉ là bề nổi của một tảng băng bị vỡ, còn những tảng băng khác chưa bị vỡ, người dân rất trông chờ vào việc thu hồi tài sản, tiền của các đối tượng này trong vụ án.

Từ thực tế trên, để công tác PCTN thời gian tới đạt hiệu qua cao nhất, đại biểu đề nghị cần phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong công tác PCTN.

Bởi thực tiễn đã chỉ ra rằng, ở đâu người đứng đầu có trách nhiệm cao, gương mẫu, sâu sát trong công tác quản lý, cương quyết với những sai phạm thì ở đó công tác PCTN, tiêu cực được thực hiện tốt hơn và ngược lại.

Ngoài ra, có cơ chế, chế tài bảo đảm cho việc giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội có hiệu lực trên thực tế và tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng về công tác PCTN.

Cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chế độ tiền lương hợp lý, nâng cao mức sống của người lao động, vì chúng ta đều biết lương và phụ cấp là những khoản thu chính và nguồn sống chính của cán bộ công chức.

Hay nói cách khác, để góp phần công tác PCTN, tiêu cực có hiệu quả cần phải quan tâm đến mức sống của cán bộ, công chức và viên chức, phấn đấu để cán bộ, công chức và viên chức có thể sống bằng lương và có mức thu nhập tương đương với mức thu nhập khá trong toàn xã hội.

AN NHIÊN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh