Thông tin Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao (CLC) và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" được chính quyền và người dân vùng ĐBSCL đón nhận trong tâm thế phấn khởi.
Thông tin Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao (CLC) và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” được chính quyền và người dân vùng ĐBSCL đón nhận trong tâm thế phấn khởi.
Bởi lẽ, theo mục tiêu của đề án sẽ hình thành 1 triệu hécta vùng chuyên canh lúa CLC và phát thải thấp vào năm 2030 gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị; áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
Đề án triển khai tại 12 tỉnh ĐBSCL gồm: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long với diện tích 1 triệu hécta.
Đề án sẽ triển khai theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2024-2025): Tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000ha. Giai đoạn 2 (2026-2030): Xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh CLC giảm phát thải mới ngoài vùng Dự án VnSAT và sẽ mở rộng thêm 820.000ha.
Mục tiêu đáng lưu ý trong đề án là trong tổ chức sản xuất: có 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa CLC và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, HTX hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Về thu nhập người trồng lúa, giá trị gia tăng: Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%.
Tại các hội thảo tham vấn trước khi đề án được phê duyệt, nhiều chuyên gia cho rằng ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam với sản lượng lúa luôn ổn định ở mức 24-25 triệu tấn/năm. ĐBSCL chiếm trên 50% sản lượng lúa và 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành hàng lúa gạo ĐBSCL vẫn còn những hạn chế cần khắc phục nhằm hướng tới sản xuất bền vững và hiệu quả. Những hạn chế được dẫn ra: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ và chất lượng gạo chưa đồng đều; chưa có những vùng chuyên canh lúa quy mô lớn với sự liên kết, hợp tác giữa người trồng và HTX, doanh nghiệp. Các biện pháp canh tác chưa thực sự bền vững; nông dân còn sử dụng nhiều phân bón, thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học. Nếu hệ thống canh tác không thay đổi thì sẽ gây nguy cơ suy giảm tài nguyên, lãng phí đầu vào và nhất là ảnh hưởng đến môi trường, gây phát thải khí nhà kính…
Thời gian qua, có nhiều chương trình, dự án, mô hình tiên tiến đã được các địa phương ĐBSCL đầu tư, hợp tác với các tổ chức, bộ, ngành nhằm thúc đẩy hệ thống sản xuất lúa gạo bền vững. Theo các chuyên gia, 1 triệu hécta lúa chiếm trên 50% đất lúa ở ĐBSCL và 26% diện tích đất lúa của cả nước, vì vậy cần có sự lựa chọn bước đi một cách khoa học theo phương châm làm chắc và hiệu quả thật.
Theo đó, để thực hiện đề án có hiệu quả cần phân nhiệm vụ rõ ràng: Nhà nước làm gì, doanh nghiệp làm gì, HTX hay nông dân làm gì; nếu không sẽ lúng túng, giẫm chân nhau. Ngoài ra, cần phải có chính sách tạo sự khác biệt cho cả doanh nghiệp, HTX và nông dân. Quyết tâm thôi chưa đủ, mà phải cụ thể hóa bằng những cơ chế, chính sách càng sớm càng tốt. Những chính sách này phải ban hành kịp thời nhằm khuyến khích, hỗ trợ cho nông dân để phát triển lên một bước cao hơn cũng như đạt được các mục tiêu mà đề án đề ra.
AN NHIÊN