"Định vị" vai trò ngành nông nghiệp

07:11, 09/11/2023

Trong câu chuyện xoay quanh dấu ấn thành công của xuất khẩu nông sản Việt Nam những năm qua, các chuyên gia nhìn nhận, đã đến lúc vai trò của ngành nông nghiệp trong tương lai cần được "định vị" lại là động lực cốt lõi của nền kinh tế, trở thành lợi thế và sức mạnh của đất nước.

Trong câu chuyện xoay quanh dấu ấn thành công của xuất khẩu nông sản Việt Nam những năm qua, các chuyên gia nhìn nhận, đã đến lúc vai trò của ngành nông nghiệp trong tương lai cần được “định vị” lại là động lực cốt lõi của nền kinh tế, trở thành lợi thế và sức mạnh của đất nước.

Điều này được minh chứng và khẳng định nhiều năm trở lại đây, trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn thì nông nghiệp vẫn cho thấy được vai trò của mình khi duy trì đà tăng trưởng, nhất là nhiều nhóm hàng nông sản xuất khẩu liên tiếp mang về hàng tỷ USD. Cụ thể, tính đến hết tháng 10 năm nay, xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp đạt hơn 43,08 tỷ USD và cả năm nay toàn ngành tự tin đạt mục tiêu 53-54 tỷ USD, bằng với con số kỷ lục của năm ngoái.

Sự tăng trưởng này là không thể phủ nhận. Nhưng, theo các chuyên gia, không thể chỉ đánh giá tăng trưởng nông nghiệp qua quy mô sản xuất, kim ngạch xuất khẩu mà phải hướng đến lợi nhuận của người nông dân qua từng mùa vụ.

Ðiều này, hiện được cho chúng ta làm chưa được bao nhiêu. Đơn cử, nước ta xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới trong nhiều năm nay, nhưng người dân trồng lúa lại không giàu thứ hai thế giới. Ngược lại, họ là nhóm đối tượng có thu nhập thấp nhất xã hội. Đầu tư, nhất là hạ tầng cho nông nghiệp vẫn chưa thực sự thỏa đáng!

Vì thế, để xuất khẩu nông sản Việt Nam trở thành “cánh đồng của thế giới”, “bếp ăn thế giới” thì nông nghiệp không thể là ngành phải “hy sinh”, làm “bệ đỡ” như những năm qua, mà phải là động lực, cốt lõi của nền kinh tế, đóng vai trò thúc đẩy công nghiệp và dịch vụ.

Đồng thời, nếu xác định lợi thế của Việt Nam là nông nghiệp thì chúng ta phải kiên quyết hành động cho tương lai. Nói như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Lê Minh Hoan là phải thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”. Nhất là cần nhận thức đúng và quan tâm hơn đến nông nghiệp, đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng nông nghiệp. Đặc biệt cần có chính sách để “phá rào”, thay đổi cơ chế, tạo động lực, mở ra hướng đi mới để nông nghiệp phát huy tiềm năng và thế mạnh.

N. HOÀNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh