Chấn hưng là làm cho hưng thịnh, thịnh vượng, có nghĩa là phát huy một cách mạnh mẽ nhất những giá trị văn hóa của quốc gia, của dân tộc.
Chấn hưng là làm cho hưng thịnh, thịnh vượng, có nghĩa là phát huy một cách mạnh mẽ nhất những giá trị văn hóa của quốc gia, của dân tộc. Văn hóa ở đây mang nội hàm toàn bộ các lĩnh vực hoạt động của con người trong đời sống xã hội; do đó, văn hóa được đề cao, môi trường văn hóa lành mạnh thì xã hội phát triển ổn định, ngược lại văn hóa xuống cấp, bị xem thường thì gây ảnh hưởng, tác động xấu đến toàn bộ đời sống xã hội, sự phát triển của đất nước.
Điều quan trọng hơn, là dấu mốc, thời điểm Đảng ta đặt ra vấn đề này, đang là thời cơ và cũng là những thách thức cực đại; đặc biệt là bài phát biểu đầy tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, cụm từ “chấn hưng văn hóa dân tộc” như một lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân tạo nên tác động mạnh mẽ làm cho những giá trị văn hóa tốt đẹp được phát huy làm một nền tảng, vừa là động lực cho sự phát triển nâng tầm đất nước, đưa đất nước lên tầm cao mới, vị thế mới trong giai đoạn mới.
Đây là dấu mốc quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng. Nhìn lại lịch sử, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), trước đó năm 1943 Đảng ta đã ban hành Đề cương về văn hóa Việt Nam do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo, được coi là bản tuyên ngôn, là cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa, thì 80 năm sau đất nước có Hội nghị Văn hóa toàn quốc được xem là Hội nghị “Diên Hồng” về văn hóa Việt Nam.
Qua đó, đã khái quát các mặt tích cực và hạn chế; những yêu cầu của thời kỳ phát triển mới vì sự hưng thịnh của một nền văn hóa; đón trước thời cơ và trên cơ sở nhận diện những thách thức đối với văn hóa Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Để thấy rằng, thời điểm này Đảng ta đặt ra vấn đề chấn hưng văn hóa là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cấp thiết.
Chấn hưng văn hóa như vậy không có nghĩa là nhiệm vụ của riêng ngành văn hóa. Những giá trị cốt lõi của dân tộc là sự hình thành qua tiến trình lịch sử hàng ngàn năm, có sự thay đổi, sự tiếp biến trong quá trình giao lưu, sự va đập tiếp nối giữ vững những giá trị tốt đẹp nền tảng, đồng thời hình thành nên những giá trị mới một cách có chọn lọc.
Trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, chúng ta lưu ý không chỉ có đặt ra vấn đề chấn hưng văn hóa, mà còn đưa ra những định hướng quan trọng cho văn hóa dân tộc trong thời điểm hiện nay. Đó chính là cái cốt lõi mang ý nghĩa sống còn trên con đường phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
NGỌC TRẢNG