Đau đáu với đồng bằng

07:10, 20/10/2023

Ngày giữa tháng 10, trong khán phòng nhỏ ở Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) với chừng 30 người tham dự gồm các sinh viên, giảng viên và các nhà báo, chúng tôi cũng đội mưa từ Vĩnh Long qua Cần Thơ để nghe PGS.TS Lê Anh Tuấn say sưa nói về câu chuyện nguồn nước.

Ngày giữa tháng 10, trong khán phòng nhỏ ở Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) với chừng 30 người tham dự gồm các sinh viên, giảng viên và các nhà báo, chúng tôi cũng đội mưa từ Vĩnh Long qua Cần Thơ để nghe PGS.TS Lê Anh Tuấn say sưa nói về câu chuyện nguồn nước.

Hơn 6.000 năm hình thành và vài trăm năm lịch sử của nền văn minh sông nước ĐBSCL không ngừng phát triển và biến đổi, PGS.TS Lê Anh Tuấn cho rằng, tài nguyên nước ở ĐBSCL được đánh giá nhiều nhất trong tất cả nguồn nước ở các lưu vực sông tại Việt Nam. Đất đai màu mỡ nhờ phù sa bồi đắp.

Hệ sinh vật rất đa dạng tạo ra sản vật dồi dào. Từ chuyện xưa đồng bằng là vùng biển, trong nhật ký của ông Tuấn ghi chép đã thể hiện: phù sa từ thượng nguồn sông Mekong đổ về theo các trận lũ đã bồi lấp dần một phần đồng bằng. Đến nay, vẫn còn những dấu vết về mặt địa chất cho thấy sự ra đời của đồng bằng.

Phù sa từ thượng nguồn chảy qua đất nước Campuchia vào ĐBSCL chia thành 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu, nhờ lượng phù sa này đã góp phần hình thành vùng bán đảo Cà Mau. Quá trình hình thành tự nhiên “Mắm trước đước sau, bần theo sát. Sau hàng dừa nước mái nhà ai”, sự phát triển của các loại cây thích nghi với điều kiện đồng bằng, giúp vùng đất này đứng vững trước thiên tai và lấn dần, lấn dần ra biển…

Câu chuyện thật hấp dẫn và cuốn hút, một ĐBSCL với “dấu chân mở cõi” có thể nói là rất trẻ so với nhiều đồng bằng khác trên thế giới. Tuy nhiên, dòng chảy ĐBSCL ngày nay không còn êm ả mà đứng trước nhiều nguy cơ đe dọa lớn, quá trình nghiên cứu của PGS.TS Lê Anh Tuấn cũng chỉ ra khoảng hơn 10 năm trở lại đây, lũ lớn về ĐBSCL giảm đi rất rõ, lũ thấp và trung bình tăng lên.

Thiếu nước không chỉ là thách thức đối với sản xuất nông nghiệp, nhất là làm lúa 3 vụ/năm; mà từ việc thiếu phù sa bồi đắp, quản lý khai thác nước ngầm và tài nguyên cát… khiến đồng bằng sạt lở, sụt lún ngày càng nghiêm trọng hơn.

ĐBSCL có 4 vùng sinh thái hay còn gọi là 4 “miệt”: miệt vườn, miệt ruộng, miệt bưng và miệt biển. Mỗi miệt gắn với hệ sinh thái đặc trưng đa dạng, nét văn hóa riêng biệt phong phú mà theo đó, người dân có sự linh hoạt, sáng tạo để thích nghi với cuộc sống. Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại, quá trình phát triển, những đặc điểm của từng vùng sinh thái đó đang có sự “biến dạng” và khó có thể nhận diện được giữa các “miệt” đó trong tương lai.

Vậy điều gì đã làm “biến dạng” các vùng sinh thái của ĐBSCL và cần phải làm gì cho ĐBSCL? Đó là vấn đề nan giải đã và đang đặt ra.

TRẦN PHƯỚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh