Ngày 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị xem xét các báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Ngày 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị xem xét các báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội sẽ xem xét việc thực hiện của các cơ quan liên quan tới 21 lĩnh vực được nêu trong 4 nghị quyết về giám sát chuyên đề, 1 nghị quyết về chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và 2 nghị quyết về giám sát chuyên đề, 3 nghị quyết về chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XV.
Báo cáo tại phiên họp, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần nêu rõ kết quả đạt được cũng như những hạn chế trong việc thực hiện của các cơ quan liên quan tới 21 lĩnh vực. Ngoài những thành tựu, đối với những hạn chế trong số các lĩnh vực được các đại biểu đóng góp để làm rõ hơn trong báo cáo chuẩn bị đưa ra tại kỳ họp thứ 6.
Cụ thể, trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tỷ lệ các quy hoạch cần hoàn thành còn thấp, tiến độ lập các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh còn rất chậm. Việc triển khai một số nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội còn chậm, tỷ lệ giải ngân rất thấp. Nợ đầu tư xây dựng cơ bản chưa được khắc phục triệt để. Việc thu hút vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho các dự án có quy mô lớn, kết nối hạ tầng liên vùng, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai còn ít so với tiềm năng.
Đối với lĩnh vực tài chính, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm. Tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công diễn ra khá phổ biến. Việc chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa kịp thời, chưa nghiêm. Hệ thống pháp luật về thuế chậm được sửa đổi.
Liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, việc hoàn thiện pháp luật về cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu còn chậm. Thiếu chính sách ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu.
Về lĩnh vực công thương, tình trạng cung- cầu điện vẫn còn bất cập. Nhiều dự án thủy điện chưa chấp hành các quy định về xây dựng, quy hoạch, môi trường. Đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, việc ban hành các quy hoạch ngành quốc gia còn chậm. Một số chỉ tiêu trong bộ tiêu chí về NTM chưa phù hợp với từng địa phương, vùng, miền; một số văn bản hướng dẫn còn chưa cụ thể hoặc khó thực hiện…
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, qua thực tiễn công tác chỉ đạo của Chính phủ, còn một số vấn đề cần quan tâm: Một số lĩnh vực chưa triển khai đầy đủ theo yêu cầu của Quốc hội, có lĩnh vực chậm thời gian, tiến độ; nhiều nội dung báo cáo mới chỉ dừng ở việc đánh giá chung chung mà chưa chỉ rõ nội dung nào chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu, chưa đánh giá rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan.
Ông Trần Thanh Mẫn yêu cầu Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý, phối hợp chặt chẽ với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc giám sát lại. Trong đó, lưu ý, nêu rõ yêu cầu thời gian đối với từng nội dung cụ thể, xác định rõ những nghị quyết, nội dung đã hoàn thành.
AN NHIÊN