Tăng sức "chống chịu" cho doanh nghiệp

07:09, 22/09/2023

Trong phiên trao đổi, thảo luận bàn tròn với chủ đề "Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt khó" tại Diễn đàn Kinh tế- xã hội Việt Nam năm 2023, ngày 19/9, đại biểu cho rằng "sức khỏe" của DN đáng báo động.

Trong phiên trao đổi, thảo luận bàn tròn với chủ đề “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt khó” tại Diễn đàn Kinh tế- xã hội Việt Nam năm 2023, ngày 19/9, đại biểu cho rằng “sức khỏe” của DN đáng báo động.

Cho rằng hậu COVID-19, thế giới đang có sự thay đổi trật tự về chuỗi cung ứng, sự dịch chuyển dòng vốn và công nghệ và các xu thế phát triển mới của thế giới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số… tạo ra cơ hội cho Việt Nam đón bắt cơ hội lớn này. Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhận định: “Việt Nam cần phải có chính sách để kịp thời nắm bắt được dòng vốn này. Khi dòng vốn này vào Việt Nam sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa phát triển DN bản địa”.

Theo ông Phạm Tấn Công, chỉ có niềm tin thì mới tạo ra được động lực để các DN tiến lên. Khảo sát của VCCI cho thấy, có rất nhiều DN không dám đầu tư mới, hạn chế đầu tư mới. Do đó, cần phải kiến tạo một môi trường kinh doanh không chỉ thuận lợi như trước đây, mà còn phải là môi trường kinh doanh an toàn cho doanh nhân, DN an tâm phát triển và cống hiến cho đất nước.

Ông Đậu Anh Tuấn- Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, đưa ra con số: Trong 8 tháng của năm 2023, tổng số DN đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường vẫn giảm nhẹ khoảng 0,03% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý số DN ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng đến 15,6% so với 8 tháng của năm 2022, lên tới 124.700 DN. Đây là một chỉ báo quan trọng cho thấy “sức khỏe” của khu vực DN đáng báo động. Lần đầu tiên sau nhiều năm, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm so với cùng kỳ năm trước.

Một đại diện DN cũng phân tích cho thấy, nếu như trong năm 2021-2022, DN Việt Nam rơi vào khó khăn như đứt gãy chuỗi cung ứng, giãn cách xã hội lạm phát tăng cao, giá xăng dầu tăng, cước vận tải tăng… Thì đến năm 2023 do tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm, DN lại rơi vào thế bị động khi bị hủy đơn hàng hàng loạt, doanh số sụt giảm… “Không phải DN muốn “chậm lớn” mà nhiều DN chân chính, đầu tư tìm tòi, học hỏi để lớn và trưởng thành một cách vững chắc nhưng còn vướng cơ chế, thiếu chính sách mang tính chiến lược bền vững”- đại diện DN nói.

Đối diện với những thách thức to lớn, các chuyên gia và DN khuyến nghị: Các DN cần được tăng sức “chống chịu”. Đặc biệt cần quan tâm xây dựng được niềm tin chiến lược của DN đối với môi trường kinh doanh, thể chế và chính sách.

YÊN HƯƠNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh