Thách thức sạt lở, sụt lún

07:08, 17/08/2023

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sạt lở và sụt lún đất là vấn đề cấp bách ở ĐBSCL bên cạnh thách thức biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Sụt lún gây ra thiệt hại cho kết cấu hạ tầng, mất đất và gia tăng lũ lụt.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sạt lở và sụt lún đất là vấn đề cấp bách ở ĐBSCL bên cạnh thách thức biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Sụt lún gây ra thiệt hại cho kết cấu hạ tầng, mất đất và gia tăng lũ lụt.

ĐBSCL được phù sa bồi đắp hình thành từ hơn 6.000 năm nay. Trước đây do bồi hơn lở nên mỗi năm đất của vùng này tiến ra Biển Đông và tiến về mũi Cà Mau. Nhưng hiện nay tình trạng lở thắng thế nên đất đai không nở mà còn teo tóp và không còn phát triển theo quy luật tự nhiên bên lở bên bồi. Sạt lở gia tăng là do mất cân bằng hệ thống thiếu phù sa và cát sỏi- hai chất liệu chính bồi đấp làm nên vùng đồng bằng này mà nguyên nhân chính là do việc xây dựng nhiều đập thủy điện giữ phù sa ở thượng nguồn và nạn khai thác cát sỏi quá mức trên dòng sông.

Từ năm 2015, TS Dương Văn Ni (Trường ĐH Cần Thơ) đã tiến hành thực nghiệm sụt lún bằng phương pháp đóng cọc dài 42m trong lòng đất và đo thông số chênh lệch 2 lần/năm để xác định mức sụt lún. Kết quả đo đạc tính toán trong 4 năm xác định được mức sụt lún 1,7 cm/năm ở tầng nông và 1 cm/năm ở tầng sâu.

Còn theo số liệu đo lún của Bộ TN-MT, sử dụng 287 mốc chuẩn quan trắc trên khắp vùng ĐBSCL cho thấy tốc độ sụt lún trung bình từ năm 2005- 2017 lên tới 5,7 cm/năm, gấp gần 20 lần hiện tượng nước biển dâng mỗi năm (3mm). Và nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, phần lớn diện tích của đồng bằng có thể sẽ nằm dưới mực nước biển trung bình vào cuối thế kỷ XXI.

Theo GS Matt Kondolf (Trường ĐH California, Berkeley, Mỹ)- người đứng đầu nhóm nghiên cứu về ĐBSCL, đến năm 2100, theo kịch bản trung bình sụt lún lên đến 1,8m và 90% diện tích đồng bằng bị ngập. Khi đó chỉ riêng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại 3,2 tỷ USD/năm, 17 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp về chỗ ở và sinh kế.

Để làm chậm thêm tình trạng sụt lún, nhiều chuyên gia khuyến nghị, ngoài việc giảm khai thác nước ngầm, cần phải quản lý và quy hoạch xây dựng, giao thông hợp lý. Cần lập bản đồ chi tiết về những nơi có tốc độ sụt lún cao để tránh cấp phép xây dựng những công trình lớn. Hạn chế việc xây dựng các công trình lớn ở khu vực ven sông để chống sạt lở. Một giải pháp quan trọng khác là chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thuận tự nhiên, duy trì tính kết nối của các vùng ngập lũ ở đồng bằng thông qua điều chỉnh các công trình hạ tầng và thủy lợi.

N. HOÀNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh