Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có chuyến khảo sát thực tế tại một số tỉnh, thành ĐBSCL về tình hình, công tác khắc phục sạt lở.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có chuyến khảo sát thực tế tại một số tỉnh, thành ĐBSCL về tình hình, công tác khắc phục sạt lở.
Theo báo cáo của ngành chuyên môn, những năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL đã và đang có diễn biến rất phức tạp, uy hiếp đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Theo tổng hợp của Bộ Nông nghiệp-PTNT, từ năm 2016 đến nay, các tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL đã xuất hiện tổng số 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134km. Đáng lưu ý, mức độ xói lở càng ngày càng nghiêm trọng; trước năm 2005, mỗi năm bồi 100ha thì 15 năm trở lại đây, mỗi năm mất trên 350ha. Đồng thời, xói lở xảy ra quanh năm; trước đây chủ yếu là mùa lũ, hiện nay về mùa khô xói lở lại nhiều hơn.
Cùng với đó, xói lở nghiêm trọng trên các sông/kênh nối sông Tiền- sông Hậu do cân bằng nước giữa 2 sông thay đổi (nước sông Tiền có xu thế chuyển sang sông Hậu). Xói lở tập trung nhiều ở sông Tiền (xảy ra nhiều ở các tỉnh An Giang, Tiền Giang và Cà Mau…).
Để đối phó với tình trạng này, thời gian qua Chính phủ đã đầu tư nhiều công trình để khắc phục. Theo đó, hàng loạt công trình bảo vệ bờ đã được xây dựng nhằm giảm bớt thiệt hại do sạt lở bờ gây ra. Từ năm 2016 đến nay, Trung ương đã đầu tư và đã có kế hoạch đầu tư cho các tỉnh vùng ĐBSCL là 16.223 tỷ đồng để xây dựng 218 công trình kè chống sạt lở, với chiều dài 324km. Ngoài ra, từ năm 2015 đến nay, đã trồng và phục hồi 10.042ha rừng ngập mặn với tổng kinh phí 1.931 tỷ đồng. Đã tổ chức di dời 21.696 hộ dân ra khỏi các khu vực sạt lở với tổng kinh phí hỗ trợ 1.773 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo báo cáo hiện tại còn 561 điểm sạt lở, gồm bờ sông, bờ biển, trong đó số điểm đặc biệt nguy hiểm cần làm ngay là 63 điểm (204km) với nhu cầu vốn đầu tư gần 14.000 tỷ đồng. Hiện nhiều địa phương đã xác định khu vực có nguy cơ sạt lở cao nhưng không có kinh phí để đầu tư, khi xảy ra sạt lở rồi mới di dời dân cư, đầu tư công trình khắc phục sự cố sạt lở rất tốn kém.
Sau khi khảo sát, Thủ tướng chỉ đạo cần có các giải pháp cấp bách, trước mắt và các giải pháp căn cơ, lâu dài để ứng phó sụt lún, sạt lở, ngập úng tại ĐBSCL; trong đó, xử lý ngay các điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, thực sự cấp bách, ảnh hưởng tới tính mạng và tài sản người dân.
Về trước mắt, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải chủ động hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ dân khu vực đang bị sạt lở (chỗ ở tạm, tái định cư). Chủ động di dời ngay các hộ dân ở khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, tránh để bị động, bất ngờ dẫn tới thiệt hại tính mạng của người dân khi xảy ra sạt lở.
Về lâu dài, Thủ tướng giao các bộ, ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu, xác định cụ thể nguyên nhân dẫn tới tình trạng sụt lún, sạt lở để có giải pháp phù hợp đối với từng khu vực.
Cùng với đó, làm tốt công tác quy hoạch; kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà cửa ven sông, ven biển có nguy cơ rủi ro; quản lý việc khai thác cát, khai thác nước ngầm, rừng ngập mặn… Ngoài ra, chủ động đầu tư để phòng ngừa sạt lở từ sớm, từ xa; xây dựng dự án đầu tư mang tính căn cơ, bài bản, bền vững để ngăn ngừa, khắc phục sạt lở.
AN NHIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin