Lo "đói lũ"

06:08, 11/08/2023

Mấy ngày rày, qua lại cầu Cái Cá phát hiện dòng Cổ Chiên một màu đỏ quạch, chợt lòng khấp khởi vui mừng, những dòng sông vẫn mang nặng phù sa.

(VLO) Mấy ngày rày, qua lại cầu Cái Cá phát hiện dòng Cổ Chiên một màu đỏ quạch, chợt lòng khấp khởi vui mừng, những dòng sông vẫn mang nặng phù sa.

Con nước của những dòng sông ở miền Tây luôn có những tín hiệu. Người đồng bằng nhìn màu nước để coi nước rong nước kém, đoán chừng nguồn lợi thủy sản có theo nước về đầy ắp, mùa nước nổi có tràn đồng hay không. Dòng nước sông Mekong mang theo phù sa mịn nên rất đục, gọi là “nước bạc”.

Con nước son đang làm chuyển màu các dòng sông đồng bằng, dự báo một mùa nước nổi sắp về, đẩy lùi nước mặn ra xa, nguồn nước quý giá không chỉ tưới mát ruộng vườn mà còn bổ sung lượng phù sa bồi dưỡng cho đất đai thêm phì nhiêu.

Nhưng vui mừng đó rồi cũng lo âu đó.

Một mặt thực trạng sản xuất nông nghiệp “hết vụ lúa nối tiếp vụ màu” khiến những cánh đồng không có thời gian nghỉ, đồng thời chưa khai thác và trân trọng nguồn nước- vốn được xem là giải pháp tốt nhất (nếu nước tràn đồng) cho đồng ruộng rửa phèn, diệt mầm bệnh và tái tạo dinh dưỡng cho đất.

Mặt khác, kèm theo đó là những thông tin dự báo không vui chút nào, năm nay đồng bằng sẽ “đói lũ”. Những mùa “lũ đẹp” đang dần hiếm hoi.

Theo Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam (SIWRP), đối với khu vực ĐBSCL, mực nước trong tháng 8 dự báo ở mức thấp và có xu thế tăng.

Đến ngày 31/8, mực nước lũ trên dòng chính ĐBSCL khu vực đầu nguồn được dự báo ở mức cao nhất đạt 2,7m tại Tân Châu và thấp hơn trung bình nhiều năm 0,44m; còn tại trạm Châu Đốc là 2,35m, thấp hơn trung bình nhiều năm 0,41m.

Đến thời gian này, theo các cơ quan chức năng, mùa lũ ở lưu vực sông Mekong vẫn chưa xuất hiện. Trong khi đó, dự báo đỉnh triều trong tháng 8 lại cao hơn khá nhiều so với trung bình nhiều năm và cao hơn cả đỉnh triều cường năm 2021 và 2022.

Khi lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong về ít sẽ làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn đặc biệt trong mùa khô hạn sắp tới.

Trước đây, mỗi năm, vùng châu thổ Cửu Long được nhận từ 140-160 triệu tấn phù sa sông Mekong chuyển về.

Tuy nhiên, hiện nay, hơn một nửa trong số đó bị mắc kẹt lại trong các hồ chứa trên thượng nguồn. “Đói lũ” đồng nghĩa lượng phù sa về ĐBSCL sẽ ngày càng ít đi.

Lớp phù sa như “cái áo giáp” che chắn, bảo vệ cho bờ sông, vùng đất ven biển. Khi lượng cát, lượng phù sa thiếu hụt, sạt lở sẽ còn đến nhanh hơn, phức tạp hơn.

TRẦN PHƯỚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh