"Giải hạn" cho cá tra

Cập nhật, 05:36, Thứ Năm, 24/08/2023 (GMT+7)

(VLO) Một thời cá tra từng được đánh giá là “cá tỷ đô”, tiềm năng nhất nhì ĐBSCL cùng với ngành lúa gạo. Thế nhưng những năm trở lại đây, cá tra luôn trong tình trạng hết sức khó khăn.

Theo đánh giá từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 6 tháng đầu năm 2023, một bức tranh không tốt đẹp lắm cho toàn ngành thủy sản, trong đó có ngành cá tra.

Theo bà Tô Tường Lan- Phó Tổng Thư ký VASEP, từ tháng 1 đến cuối tháng 6 năm nay, tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 4,1 tỷ USD, giảm gần 28%.

Riêng cá tra, mức sụt giảm khá sâu ở mức gần 39%. Phân tích số liệu cụ thể cho nhóm 8 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam, bà Lan cho hay, hầu hết các thị trường đều sụt giảm.

Thị trường Trung Quốc giảm 22%, với giá trị xuất khẩu 716 triệu USD; Nhật Bản có mức sụt giảm nhẹ hơn, ở mức 11%, đạt 713 triệu USD và thị trường Mỹ đạt 706 triệu USD, giảm 46%... Với mức sụt giảm hai con số ở hầu hết các thị trường đã phản ánh rất rõ sức mua giảm trên toàn cầu.

Về phía nhiều hộ nuôi cho biết, giá thành sản xuất cá tra hiện khoảng 26.500-27.000 đ/kg, trong khi giá bán chỉ 26.200-26.500đ. Tính toán, với mỗi hecta, nông dân nuôi cá tra ở ĐBSCL đang phải chịu mức lỗ trên dưới 200 triệu đồng/vụ.

Tại hội nghị “An toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cá tra” hồi đầu tháng 8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, cá tra có thể nói là “độc tôn” của Việt Nam, nhưng nếu không biết nâng giá trị con cá tra lên thì một thời gian nữa chúng ta sẽ tự đánh mất mình.

Giải pháp đưa ra là làm sao phải xây dựng chuỗi sản xuất an toàn thực phẩm hoàn chỉnh từ con giống, cho đến nuôi trồng, thu hoạch, sơ chế, chế biến, xuất khẩu.

Ngoài ra, nếu chỉ sản xuất tập trung ở câu chuyện phile thì thị trường sẽ hạn hẹp và con cá tra dễ gặp tác động tiêu cực từ thị trường, tồn kho nhiều. Nhiều doanh nghiệp cũng từng chỉ ra, thị trường nội địa với 100 triệu dân được cho là kênh tiêu thụ rất tốt nhưng đang bị lãng quên.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định, với ngành cá tra hiện tại “không có chuỗi là không được”. Giải pháp là các doanh nghiệp có uy tín, có vị thế đứng ra cùng phối hợp với các đơn vị và các địa phương để xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn.

Bên cạnh, mỗi doanh nghiệp cần nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chọn, lai tạo con giống mới, cải tiến phương thức sản xuất, chế biến để tăng dần hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm cá tra, thúc đẩy ngành hàng cá tra vùng ĐBSCL phát triển bền vững.

N. HOÀNG