Đảm bảo an ninh lương thực là ưu tiên

08:08, 16/08/2023

Chiều 15/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Lê Minh Hoan đăng đàn trả lời chất vấn một số nội dung: Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản, việc bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo… do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.

Chiều 15/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Lê Minh Hoan đăng đàn trả lời chất vấn một số nội dung: Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản, việc bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo… do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong bối cảnh hiện nay, ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Vì vậy, việc tiếp tục chất vấn đối với lĩnh vực này là hết sức cần thiết với kỳ vọng sẽ có nhiều giải pháp hữu hiệu để giải quyết những khó khăn và tạo sự phát triển bứt phá cho ngành nông nghiệp thời gian tới.

Tại phiên chất vấn, trả lời việc liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, liên kết chuỗi là chiến lược của ngành nông nghiệp nhằm thay đổi thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của nền nông nghiệp nước ta. Chính sự manh mún, nhỏ lẻ, tự phát nên việc hợp tác giữa những người sản xuất với nhau và liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp theo một chuỗi ngành hàng là nhu cầu tối cần thiết.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thống nhất với nhận định của đại biểu về thực trạng liên kết còn chậm. Theo báo cáo của các địa phương thì chỉ khoảng 20% diện tích nông nghiệp có nằm trong chuỗi liên kết ngành hàng và không phải chuỗi nào cũng bền vững. Muốn giải mã được những chuỗi này cần đến sự phát triển của kinh tế hợp tác, chỉ có HTX mới có thể làm được vì nếu chỉ những người nông dân đơn độc thì không thể hình thành chuỗi và sẽ xuất hiện những mâu thuẫn.

Dẫn ví dụ về lúa gạo hay sầu riêng, Bộ trưởng cho biết, việc giá tăng cũng có tích cực nhưng cũng bắt đầu xuất hiện những đứt gãy nhất định trong chuỗi cung ứng, nhất là khi có động thái nâng giá của những doanh nghiệp ngoài chuỗi thì người nông dân sẵn sàng bỏ chuỗi, bỏ cam kết với doanh nghiệp.

Chuỗi liên kết cũng là cơ sở để phát triển ngành logistics, vì logistics không thể phục vụ kinh tế hộ mà cần quy mô lớn hơn. Tương tự, số hóa cũng cần đến quy mô lớn để có thể triển khai một cách hiệu quả. Việc liên kết chuỗi là điều kiện cần để có thể đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.

Đối với nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực, Bộ trưởng cho biết, bộ đã sớm có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng cũng đã có công điện chỉ đạo khi nảy sinh vấn đề mất an ninh lương thực. Bộ trưởng đề nghị các bên liên quan cần có thái độ bình tĩnh, vì mọi vấn đề đều có thể phát sinh mặt trái nếu không quản lý tốt. Bộ trưởng chia sẻ, ĐBSCL xuống giống theo con nước. Nếu không có biến động theo con nước, thì Việt Nam sẽ không gặp vấn đề gì trong việc xuất khẩu 7-8 triệu tấn gạo.

Tuy nhiên, hiện có khoảng 80% diện tích lúa ĐBSCL nằm ngoài liên kết. Ngoài vấn đề này, giá nông sản nói chung, trong đó có giá lúa, chịu quy luật cung cầu. Ngoài ra, tại Việt Nam giá lúa gạo còn chịu nhiều vấn đề khác như vấn đề đặt cọc, câu chuyện thỏa thuận, mua bán, mùa vụ…

Trước thời cơ như hiện tại, Bộ trưởng kêu gọi các bên phải tôn trọng nhau, phải chia sẻ thời cơ, làm sao để mùa sau mọi người còn có thể mua bán, thỏa thuận, làm ăn với nhau. Thủ tướng và Chính phủ đã chỉ đạo rất rõ, nhiệm vụ số một là đảm bảo an ninh lương thực, thứ hai mới là đẩy mạnh xuất khẩu gạo. Việc xuất khẩu gạo, theo Bộ trưởng, như một cam kết của Việt Nam với lương thực thế giới.

AN NHIÊN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh