Đó là đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phiên họp của BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (TNTC) về kết quả hoạt động của BCĐ 6 tháng đầu năm 2023 và nhìn lại công tác phòng, chống TNTC từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng đến nay.
(VLO) Đó là đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phiên họp của BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (TNTC) về kết quả hoạt động của BCĐ 6 tháng đầu năm 2023 và nhìn lại công tác phòng, chống TNTC từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng đến nay.
Theo đánh giá của BCĐ, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCĐ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về phòng, chống TNTC.
Nhất là, việc xuất bản cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống TNTC, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư; ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống TNTC trong công tác cán bộ, trong hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án... Những quy định này từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” TNTC.
Trong 6 tháng đầu năm, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 218 đảng viên do tham nhũng, 10 đảng viên vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập. BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 13 cán bộ diện Trung ương quản lý.
Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính gần 165.000 tỷ đồng (tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ); kiến nghị xử lý trách nhiệm 784 tập thể, 2.912 cá nhân; chuyển hơn 320 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 91 cán bộ diện Trung ương quản lý; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 340.000 tỷ đồng (tăng hơn hai lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII), hơn 1.700ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với hơn 6.600 tập thể và gần 18.000 cá nhân; chuyển gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý (tăng gần hai lần so với cả nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII).
Điểm mới trong nhiệm kỳ này đã kiên quyết làm rõ trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý để xảy ra TNTC nghiêm trọng trong lĩnh vực được giao quản lý, phụ trách.
Trên cơ sở đó, khuyến khích cán bộ từ chức, xin thôi chức vụ, kịp thời miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút.
Đến nay, Trung ương đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 15 cán bộ diện Trung ương quản lý.
Các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, nghỉ công tác, bố trí công tác khác gần 150 trường hợp sau khi bị kỷ luật, trong đó có 4 cán bộ diện Trung ương quản lý, 65 cán bộ thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý.
Theo đánh giá của BCĐ, công tác phòng, chống TNTC được chỉ đạo đẩy mạnh, bước đầu khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” góp phần tích cực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của đất nước; được cán bộ, đảng viên, nhân dân ngày càng tin tưởng, đồng tình, ủng hộ.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thời gian tới công tác phòng, chống TNTC phải được làm kịp thời, quyết liệt; kiên quyết, kiên trì, không nể nang, không chịu bất cứ sức ép nào. BCĐ yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phòng, chống TNTC.
Trọng tâm là sớm hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực, phòng, chống TNTC trong các lĩnh vực dễ phát sinh TNTC; bảo vệ người tố cáo, cung cấp thông tin về TNTC... để ngăn chặn từ sớm, từ xa.
AN NHIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin