Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ

07:07, 26/07/2023

Quy định 114-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (TNTC) trong công tác cán bộ (Quy định 114) được đánh giá là một bước tiến góp phần hoàn thiện về mặt pháp luật Nhà nước và quy định của Đảng để thực hiện tốt hơn nữa các giải pháp kiểm soát quyền lực.

Quy định 114-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (TNTC) trong công tác cán bộ (Quy định 114) được đánh giá là một bước tiến góp phần hoàn thiện về mặt pháp luật Nhà nước và quy định của Đảng để thực hiện tốt hơn nữa các giải pháp kiểm soát quyền lực.

Quy định 114 có hiệu lực kể từ ngày 11/7/2023, thay thế Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Quy định lần này nêu rất rõ ràng khi chỉ ra từng hành vi cụ thể. Điều này cho thấy sự nghiêm minh của Đảng, không dung túng cho bất cứ sai phạm nào của mỗi cán bộ, đảng viên và đây cũng là công cụ để các cơ quan chức năng, người dân giám sát các hành vi vi phạm.

Quy định 114 đã liệt kê cụ thể 8 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn; 6 hành vi “chạy chức, chạy quyền” và 5 hành vi tiêu cực khác, trong đó có việc không bố trí người có quan hệ gia đình làm lãnh đạo.

Đáng lưu ý, theo Quy định 114, các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, bao gồm: dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình.

Song song đó, Quy định 114 cũng liệt kê cụ thể các hành vi “chạy chức, chạy quyền” bao gồm: trực tiếp hoặc gián tiếp môi giới, đưa và nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi; tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích vật chất, phi vật chất khác…

Quy định 114 cũng dành một chương nêu rõ trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống TNTC trong công tác cán bộ, trong đó, có trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo; trách nhiệm của thành viên cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo. Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo….

Một điểm nhấn quan trọng trong Quy định 114 là việc không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh liên quan như thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự Đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, Quy định 114 nhấn mạnh cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh người đứng đầu cấp ủy đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành: nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, KH-ĐT, TN-MT, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương.

Theo nhận định của một số chuyên gia lĩnh vực xây dựng Đảng, Quy định 114 được kỳ vọng đóng vai trò như một chốt chặn trong việc kiểm soát quyền lực và phòng, chống TNTC trong công tác cán bộ. Hơn thế nữa, quy định này sẽ khiến cho những ai có động cơ không trong sạch phải chùn tay, không thể, không dám, không muốn vi phạm.

Đây cũng được xem là một trong những vấn đề mấu chốt của công tác cán bộ, nhằm chặn đứng ngay từ đầu những phần tử cơ hội lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ. Đồng thời cũng góp phần ngăn chặn để những kẻ “chạy chức, chạy quyền” không thể “chui” vào hàng ngũ để có thể “leo cao, luồn sâu”. Qua đó, giúp cho công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, cũng như công tác kiểm soát quyền lực, phòng chống TNTC, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo niềm tin vững chắc của nhân dân đối với Đảng, với chế độ.

AN NHIÊN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh