Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2023.
(VLO) Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2023.
Sau khi nghị quyết này được thông qua, đa số đại biểu Quốc hội cũng như dư luận đánh giá cao việc ban hành nghị quyết này nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; cũng như đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu.
Điều đáng lưu ý, nghị quyết lần này có những điểm mới quan trọng so với trước đây giúp tăng cường trách nhiệm của người được lấy phiếu. Theo đó, sẽ không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ cấp xã mà việc lấy phiếu chỉ được thực hiện tại HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.
Thứ hai, sẽ không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu tín nhiệm.
Về quy trình lấy phiếu tín nhiệm, nghị quyết bổ sung quy định phiên họp lấy phiếu tín nhiệm chỉ được tiến hành khi có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu tham dự; tỷ lệ tín nhiệm được tính trên tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tham gia lấy phiếu tín nhiệm, thay vì tính trên tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND như hiện nay.
Về hệ quả của lấy phiếu tín nhiệm, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Trường hợp người có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn sẽ có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm tại ngay kỳ họp đó hoặc sang kỳ họp gần nhất.
Nghị quyết nghiêm cấm thực hiện hành vi trái pháp luật ảnh hưởng đến kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để làm giảm uy tín của người khác, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.
Theo đánh giá của đại biểu, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm giúp cán bộ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác. Song song đó, đây cũng là một kênh giám sát quan trọng của Quốc hội và HĐND.
Kết quả lấy phiếu được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ. Đặc biệt, đó cũng là cách để tăng cường trách nhiệm của người được lấy phiếu góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Thời điểm lấy phiếu là cuối năm thứ 3 của nhiệm kỳ để xem xét đánh giá mức độ thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao của những người được cơ quan dân cử bầu.
Nếu cán bộ không đạt số phiếu tín nhiệm cần thiết thì xem xét ngay chứ không chờ đến hết nhiệm kỳ. Đây là cách đánh giá dứt khoát và công bằng để cán bộ lãnh đạo được bầu có ý thức trách nhiệm hơn với công việc của mình.
AN NHIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin