Gia đình truyền thống và thời đại mới

05:07, 01/07/2023

Xã hội dù phát triển cao tới đâu thì gia đình vẫn là tổ ấm và cũng là thành tố cơ sở quan trọng nhất của xã hội. Tuy nhiên, có những giá trị truyền thống cốt lõi trong nhiều trường hợp đã dần bị lấn át, tình cảm và những mối quan hệ ruột thịt, thân thiết trong gia đình cũng bị tác động dữ dội.

(VLO) Xã hội dù phát triển cao tới đâu thì gia đình vẫn là tổ ấm và cũng là thành tố cơ sở quan trọng nhất của xã hội. Tuy nhiên, có những giá trị truyền thống cốt lõi trong nhiều trường hợp đã dần bị lấn át, tình cảm và những mối quan hệ ruột thịt, thân thiết trong gia đình cũng bị tác động dữ dội.

Cùng với đó, là hình thái cấu trúc mỗi gia đình cũng đa dạng hơn và biến động nhiều hơn. Có những thay đổi để thích nghi, phù hợp với từng hoàn cảnh riêng, có những thay đổi có tính số đông và những thói quen mới du nhập từ ngoài vào. Đó là những thách thức lớn trong cấu trúc hệ sinh thái gia đình thời hiện đại.

Điều tác động lớn nhất dễ nhận thấy hiện nay là trật tự trong gia đình, bị tác động rất lớn do xã hội ngày càng có xu hướng trọng vật chất mà xem nhẹ tình cảm và làm lu mờ những mối quan hệ nghĩa tình.

Từ đây, trật tự trên dưới, trước sau thường cũng dễ dàng bị đảo lộn, nguy hại hơn khi trẻ nhỏ cũng nhìn theo đó mà có những ứng xử tương tự.

Trong xã hội hiện đại, do tính chất công việc nên cấu trúc gia đình cũng ngày càng trở nên tinh giản hơn, nhưng không thể vì thế mà con người có thể xem nhẹ những mối quan hệ của một gia đình lớn.

Đó là trách nhiệm, vai trò và tính nêu gương của người lớn để trẻ con nhìn vào, dù hoàn cảnh nào người lớn cũng phải giáo dục cho trẻ nhỏ hiểu và tôn trọng những giá trị gia đình. Điều này sẽ làm cho những giá trị vật chất chúng ta có được mới đầy đủ ý nghĩa và hạnh phúc trọn vẹn hơn.

Điều quan trọng hơn cả, những trẻ em được giáo dục, chăm bồi đầy đủ tình cảm, đạo đức của gia đình truyền thống sẽ khó bị tác động, bị sa ngã bởi những cám dỗ ngoài xã hội.

Tôn trọng và xây dựng những giá trị truyền thống cũng có ý nghĩa như tạo thêm “chiếc áo giáp” cho mỗi con người trong quá trình trưởng thành vững vàng hơn, khó bị tiêm nhiễm hơn trước những thói hư tật xấu.

Gia đình là tổ ấm và còn là cái “chân đế” cho quá trình xây dựng nhân cách mỗi con người. Cũng như xây dựng những tình cảm tốt đẹp từ trong gia đình, mới có thể trở thành những công dân tốt ngoài xã hội. Mỗi gia đình hạnh phúc yêu thương nhau, đối đãi tốt với nhau, là mỗi thành tố góp vào sự tốt đẹp chung của xã hội.

Gia đình cũng vận động, đổi thay theo từng thời đại, con người cũng linh động theo từng hoàn cảnh riêng mà có những cách sắp xếp riêng cho mỗi cấu trúc gia đình, nhưng những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình thì vẫn vẹn nguyên giá trị.

Dù có thay đổi, có tiếp thu những cái mới thì cái gốc rễ vẫn là những giá trị truyền thống ngàn năm làm nền tảng cho mỗi gia đình, cho mỗi thành viên của gia đình. Gia đình hạnh phúc, sẽ góp vào hạnh phúc chung của toàn xã hội.

NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh