Bài toán liên kết đặt ra cấp bách

05:07, 13/07/2023

Cách đây ít tháng, người quen ở Trà Ôn gọi điện hỏi "Anh ăn cam sành không, gửi lên cho". Qua điện thoại, người quen cho hay giá cam sành chỉ tầm 3.000- 4.000 đ/kg nhưng thương lái vẫn ỏng eo. Nhiều nhà vườn rầu thúi ruột vì mấy trăm triệu tiền đầu tư cho cây giống, thuê người xử lý.

(VLO) Cách đây ít tháng, người quen ở Trà Ôn gọi điện hỏi “Anh ăn cam sành không, gửi lên cho”. Qua điện thoại, người quen cho hay giá cam sành chỉ tầm 3.000- 4.000 đ/kg nhưng thương lái vẫn ỏng eo. Nhiều nhà vườn rầu thúi ruột vì mấy trăm triệu tiền đầu tư cho cây giống, thuê người xử lý.

Chị Hồng- chủ vườn trái cây ở Bến Tre, than thương lái “đạp” giá sầu riêng làm chị lỗ cả trăm triệu đồng với vườn sầu riêng gần 4 công. Theo đó, lúc đầu thương lái chấp nhận mua sầu riêng với giá 75.000 đ/kg, nhưng sau đó kỳ kèo còn 49.000 đ/kg nhưng rồi cũng “bỏ của chạy lấy người”.

Không chỉ sầu riêng, chôm chôm và hiện thanh long cũng đang giảm giá mạnh mà thương lái cũng thờ ơ. Các ngả đường, vỉa hè, phố phường miền Tây, đâu đâu cũng thấy trái cây đổ đống bên cạnh những tấm biển 10.000 đ/kg cam sành, 15.000 đ/2kg thanh long...

Giải thích của ngành nông nghiệp không có gì mới ngoài nguyên nhân “được mùa mất giá” do cung vượt cầu. Mặc dù đã được khuyến cáo, người dân vẫn không nghe, ồ ạt trồng quá nhiều.

Lời giải thích trên rất giống cách giải thích cho trường hợp giải cứu mít hay khoai lang tím trước đây. Nhưng, nếu điểm lại, nông sản- thế mạnh của nền nông nghiệp Việt Nam và ĐBSCL nói riêng lẽ nào trồng loại gì cũng đều đứng trước nguy cơ “bế tắc” đầu ra và cứ rơi vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá”.

Năm nào Nhà nước cũng khuyến cáo nhưng năm nào thực trạng cũng lặp lại, thì khuyến cáo đã trở nên chưa đi đến thực chất, mà thiếu những gợi ý rõ ràng trồng cây gì, nuôi con gì với diện tích bao nhiêu phù hợp… Bên cạnh là cần những giải pháp với những trường hợp không tuân thủ khuyến cáo và phá vỡ quy hoạch…

Nông dân sản xuất, thương nhân với vai trò buôn bán và Nhà nước xây dựng và hoàn thiện chính sách, xây dựng cơ chế giám sát để tạo điều kiện cho nông dân và thương nhân hợp tác trên tinh thần cộng sinh.

Còn nhớ cách đây 10 năm, lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã thảo luận thống nhất liên kết vùng ĐBSCL với mục tiêu không chỉ phát triển kinh tế, mà nội hàm có phân vùng sản xuất, tìm đầu ra ổn định, bền vững nông sản khu vực này.

Gần đây, TP Cần Thơ xây dựng đề án thành lập “Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL” với mục tiêu TP Cần Thơ sẽ trở thành “hạt nhân” của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại ở vùng.

Đây là chủ trương đúng đắn và phù hợp, nhưng rất cần đẩy nhanh tiến độ cũng như cam kết đảm bảo thực hiện đầy đủ dự thảo đề án đặt ra. Có như vậy, mới kỳ vọng nông sản hết cảnh dội chợ để có đầu ra ổn định và bền vững tương lai.

N. HOÀNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh