4 ưu tiên trong chuyển đổi số

05:07, 14/07/2023

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính- Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số (CĐS), vừa chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về CĐS quốc gia và Đề án Phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

(VLO) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính- Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số (CĐS), vừa chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về CĐS quốc gia và Đề án Phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Theo Ủy ban quốc gia về CĐS, công tác hoàn thiện thể chế tiếp tục được quan tâm nhằm thúc đẩy CĐS quốc gia và phát triển hệ sinh thái công dân số, kinh tế số và xã hội số.

Tại một số địa phương, đơn vị đã xuất hiện nhiều điểm sáng, mô hình hay như việc xây dựng nhận thức số, đào tạo nhân lực số; xây dựng hạ tầng số; thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; triển khai “trợ lý ảo”.

Ngoài ra, mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng phát huy hiệu quả với gần 75.000 tổ và gần 350.000 thành viên ở tất cả các tỉnh, thành… Theo đánh giá, đến nay nhận thức và hành động về CĐS quốc gia tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương.

Tính đến nay, 25/25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06 và 10/28 dịch vụ công tại Quyết định số 422 của Thủ tướng Chính phủ đã được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tính chung đến nay có 4.422/6.423 thủ tục hành chính (TTHC) (chiếm 68,8%) đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó, các bộ, ngành có 82% hồ sơ trực tuyến; địa phương có 61,36% hồ sơ trực tuyến; có 2,5 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến thành công, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ.

Hiện các bộ, địa phương đã tập trung thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả TTHC theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cần cung cấp thông tin, giấy tờ 1 lần. 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống Thông tin giải quyết TTHC phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công như: bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy…

Nhiều địa phương phấn đấu sớm đạt được mục tiêu đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng dịch vụ xác thực định danh điện tử, CCCD trong giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số.

Để việc CĐS quốc gia sớm hoàn thành mục tiêu đề ra, Thủ tướng cho rằng phải xác định CĐS là xu thế tất yếu cần được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, vượt qua rào cản, khó khăn, thách thức, tạo đột phá hơn nữa với quan điểm toàn dân, toàn diện, tổng thể, không để ai bị bỏ lại phía sau nhưng phải có ưu tiên.

Thủ tướng nêu rõ 4 ưu tiên gồm: Ưu tiên phát triển dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, ưu tiên phát triển các dịch vụ công trực tuyến gắn với đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có đối tượng bao phủ lớn; ưu tiên phát triển các nền tảng (nhất là các cơ sở dữ liệu quốc gia); ưu tiên bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.

AN NHIÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh